Xu hướng chính sách tiền tệ của Nhật Bản trong năm 2023

Việc BoJ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ không làm giảm bớt áp lực lạm phát và kinh tế suy giảm, trong khi sự khó đoán của chính sách trở thành yếu tố bất ổn lớn nhất trong năm 2023.
Xu hướng chính sách tiền tệ của Nhật Bản trong năm 2023 ảnh 1Đồng tiền mệnh giá 10.000 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang HK01 của Hong Kong, trái ngược với kỳ vọng ngày càng tăng về sự thay đổi chính sách tiền tệ của Nhật Bản, ngày 18/1, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%, duy trì việc kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) và không tăng tỷ lệ thả nổi trái phiếu Nhật Bản như đồn đoán trước đó của thị trường.

Quyết định này cũng gây ra phản ứng của thị trường vốn quốc tế. Sau khi BoJ công bố quyết định, trưa 18/1, chỉ số Nikkei 225 trong vòng một ngày đã tăng 2%, tỷ giá đồng USD cũng tăng nhanh so với đồng yen, vượt mốc 130 yen đổi 1 USD, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 0,497%.

Nhật Bản ở thế “cưỡi trên lưng hổ”

Lý do khiến thị trường vốn quốc tế quan tâm đến chính sách tiền tệ của BoJ ở thời điểm này là do vào tháng 12/2022, BoJ đã bất ngờ mở rộng giới hạn trên của lãi suất từ -0,25% đến 0,25% thành - 0,5% đến 0,5%.

Sự thay đổi này được thị trường hiểu là điềm báo trước cho những thay đổi trong chính sách nới lỏng của Nhật Bản. Điều này cũng khiến đồng yen tăng giá và thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh.

Trước đây, chính sách nới lỏng định lượng dài hạn của Nhật Bản đã biến đồng yen trở thành đồng tiền trú ẩn an toàn quốc tế, đồng thời khiến tư bản quốc tế lấy Nhật Bản làm nguồn cung cấp vốn dài hạn chính để thực hiện các khoản vay lớn.

[Nhật Bản cam kết thực thi mọi biện pháp nhằm đẩy lùi lạm phát]

Nếu chính sách tiền tệ của Nhật Bản thay đổi thì chắc chắn sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn quốc tế. Do đó, nhiều nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến việc liệu Nhật Bản có thúc đẩy sự chuyển hướng chính sách tiền tệ hay không.

Trong những năm gần đây, trước tình hình dịch bệnh tiếp diễn và rủi ro địa chính trị gia tăng, Nhật Bản cũng là “nạn nhân” của lạm phát toàn cầu. Do đó, về mặt lý thuyết, việc nước này hướng tới điều chỉnh chính sách tiền tệ là có cơ sở.

Điều này cũng trở nên dễ hiểu hơn sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) lần lượt rút lại chính sách nới lỏng định lượng và bắt đầu tăng lãi suất, khiến khoảng cách chính sách giữa BoJ với châu Âu và Mỹ dần được nới rộng với hậu quả là đồng yen tiếp tục mất giá trong năm 2022.

Đối với kinh tế Nhật Bản, việc đồng yen mất giá đã không kích thích xuất khẩu tăng trưởng như trước, ngược lại, giá năng lượng tăng cao đã làm tăng lượng hàng nhập khẩu, khiến Nhật Bản chứng kiến thâm hụt thương mại cao chưa từng thấy trong nhiều năm và càng kích thích giá cả trong nước tăng cao.

Theo số liệu do Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố, tháng 11/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nói chung của Nhật Bản tăng 3,8% và CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là mức cao nhất trong 40 năm tại Nhật Bản và cao hơn mục tiêu lạm phát cơ bản 2% của BoJ trong vài tháng liên tiếp.

Mức lạm phát cao trong thời gian dài ở Nhật Bản đã khiến thế giới bên ngoài tin rằng nước này sẽ nối bước châu Âu và Mỹ thay đổi chính sách nới lỏng định lượng đã được thực hiện trong nhiều năm.

Chính vì vậy, khi Nhật Bản kiên quyết duy trì chính sách nới lỏng, trái phiếu chính phủ đã bị bán tháo trên diện rộng, khiến BoJ gần như là “người mua” trái phiếu chính phủ duy nhất của nước này và đẩy chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của nước này vào thế chịu áp lực chưa từng có.

Ngày 18/1, BoJ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản và nâng dự báo CPI. BoJ dự kiến tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong năm tài chính 2022 là 1,9%.

Trước đó, tăng trưởng dự kiến cho năm tài chính 2022 là 2,0%; năm tài chính 2023 và 2024 lần lượt giảm xuống còn 1,7% và 1,1% thay vì các dự kiến trước đó là 1,9% và 1,5%. Trong khi hạ dự báo tăng trưởng GDP cho các năm tài chính 2022, 2023 và 2024, BoJ cũng nâng dự báo CPI cốt lõi của các năm tài chính 2022 và 2024.

Lạm phát đeo bám và nền kinh tế đình trệ đã khiến BoJ như ở thế “cưỡi trên lưng hổ”, vừa không còn lý do để tiếp tục nới lỏng vừa không muốn tăng lãi suất để tránh gây tổn hại cho nền kinh tế đang dần hồi phục.

Nhiệm kỳ của Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda sắp kết thúc và hiện có suy đoán việc thay đổi vị trí lãnh đạo này có thể là cơ hội để BoJ thay đổi chính sách.

Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách này nhiều khả năng sẽ khiến thị trường hoảng sợ. Hiện tại, trò chơi giữa thị trường vốn và BoJ vẫn đang diễn ra, vì thị trường thường cho rằng BoJ rút khỏi chương trình nới lỏng định lượng là việc bắt buộc.

Để bảo vệ lời hứa mua trái phiếu không giới hạn vào tháng 10/2022, BoJ tiếp tục càn quét thị trường trái phiếu và 70% trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm là do BoJ nắm giữ.

Sau khi đột ngột điều chỉnh phạm vi thả nổi YCC lên 0,5% vào ngày 20/12/2022, sự vận hành của thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản ngày càng trở nên méo mó, các nhà đầu tư đẩy nhanh việc bán trái phiếu với kỳ vọng rằng BoJ sẽ rút khỏi chính sách nới lỏng định lượng và tiếp tục mua mạnh trái phiếu để bảo vệ YCC.

Do đó, BoJ đã mua khoảng 12.000 tỷ yen chỉ trong bốn ngày giao dịch đầu tháng 1/2023. Theo ước tính, chỉ trong nửa tháng Một, thị phần của BoJ trên thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã tăng lên 53%.

Bloomberg ước tính với tốc độ này, BoJ sẽ mua tất cả các khoản nợ của Nhật Bản trong vòng một năm. Như vậy, việc Nhật Bản nới lỏng giới hạn trên của YCC vào tháng 12/2022 không những không giải tỏa được áp lực mà còn làm gia tăng thêm sự đầu cơ trên thị trường.

Tính khó đoán định trong chính sách của BoJ sẽ tác động đến các thị trường mới nổi

Đối với các thị trường vốn quốc tế, đặc biệt là các thị trường mới nổi, tính khó đoán định trong chính sách của BoJ sẽ tiếp tục gây tác động. Giờ đây, sự chậm trễ trong việc thay đổi chính sách của Nhật Bản không làm giảm bớt những lo ngại, trong khi sự tiếp tục chính sách khó đoán định càng khiến người dân bất an. Một số nhà phân tích cho rằng theo một nghĩa nào đó, nếu BoJ tiếp tục bảo vệ chính sách nới lỏng, thị trường có thể có phản ứng lớn hơn.

Điều này sẽ khiến đồng yen giảm giá trở lại, ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi. Ngày 18/1, sau khi BoJ giữ nguyên lãi suất thấp, đồng USD đã tăng 2,5% so với đồng yen, gây thêm áp lực lên các đồng tiền mới nổi của châu Á, trong đó đồng baht Thái Lan dẫn đầu với sự mất giá mạnh, có thời điểm giảm tới 0,6%.

Nếu BoJ thay đổi chính sách tiền tệ, hậu quả sẽ không nhẹ nhàng. Một mặt, thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ chịu áp lực trở lại do lãi suất tăng, mặt khác, sự thay đổi chính sách của nước này không thể ngăn cản việc bán khống trái phiếu chính phủ.

Một số nhà phân tích cho rằng bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của BoJ cũng có thể khiến đồng yen và lãi suất trái phiếu dài hạn của Nhật Bản tăng mạnh, vì việc này sẽ thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về xu hướng kết thúc chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong ngắn hạn.

JPMorgan Chase dự đoán sự thay đổi chính sách của Nhật Bản có thể dẫn đến việc đồng yen tăng giá từ 4% đến 5%, qua đó thu hút vốn quốc tế quay trở lại Nhật Bản và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thanh khoản toàn cầu.

Đối với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế và thương mại của Nhật Bản, điều này cũng sẽ dẫn đến biến động tỷ giá hối đoái và ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính địa phương.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Anbang cho rằng liệu chính sách tiền tệ của Nhật Bản có thay đổi hay không và khi nào sẽ thay đổi là sự kiện “Thiên nga đen” lớn nhất trong lĩnh vực tài chính toàn cầu năm 2023.

Đây cũng là yếu tố chính sách khó đoán định lớn nhất mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong năm 2023. Đối với các nền kinh tế lớn khác, khi lạm phát dần đạt đến đỉnh điểm, việc tăng lãi suất của Fed có xu hướng giảm bớt, tương lai chỉ là câu hỏi về thời điểm sẽ kết thúc việc tăng lãi suất.

Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm của kinh tế Mỹ hoặc thậm chí là một cuộc suy thoái nhỏ. Tình hình ở châu Âu cũng tương đối rõ ràng, cùng với xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, mức độ suy thoái kinh tế châu Âu sẽ sâu hơn, quá trình và cường độ tăng lãi suất sẽ vừa phải hơn.

Đối với Trung Quốc, để thúc đẩy kinh tế phục hồi, chính sách tiền tệ sẽ thúc đẩy sự nới lỏng trên cơ sở duy trì sự thận trọng. Trước xu hướng phát triển rõ ràng của các nền kinh tế lớn khác, những thay đổi chính sách của Nhật Bản trở nên khó nắm bắt, đặc biệt, động thái nới lỏng giới hạn trên của đường cong lợi suất vào tháng 12/2022 khiến thị trường thậm chí còn lo lắng hơn rằng nước này sẽ có những cách bất ngờ để gây ra nhiều cú sốc hơn cho thị trường tài chính quốc tế.

Việc BoJ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ không làm giảm bớt áp lực lạm phát và kinh tế suy giảm, trong khi sự khó đoán của chính sách càng khiến thị trường thêm lo lắng, từ đó trở thành yếu tố bất ổn lớn nhất vào năm 2023.

Bất kể BoJ có thay đổi chính sách hay không và khi nào thay đổi đều ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu. Đặc biệt, các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ mật thiết với Nhật Bản sẽ càng bị ảnh hưởng tiêu cực hơn trước những thay đổi trong chính sách của nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục