Xông đất đầu năm: Gia chủ rục rịch đi tìm... khách

Cùng với việc sắm sửa Tết, nhiều người dân đã rục rịch đi tìm người thích hợp để mời làm khách xông đất đầu năm cho gia đình mình.
Trong những ngày cuối cùng của năm Tân Mão, cùng với việc sắm sửa Tết, nhiều người dân đã rục rịch đi tìm người thích hợp để mời làm khách xông đất đầu năm cho gia đình mình.

Theo phó giáo sư-tiến sĩ Lê Trường Phát, Hội Văn hóa dân gian Hà Nội, tục lệ xông đất đã có lâu đời ở Việt Nam. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà được coi là đã xông đất cho gia chủ.

Người Hà Nội cũ rất coi trọng tục xông đất đầu năm, nhất là đối với những người làm kinh doanh. Đến nay, tục này vẫn được duy trì.

Khách xông đất cần yếu tố gì?


Phó giáo sư-tiến sĩ Lê Trường Phát cho biết, theo quan niệm của dân gian, người xông đất như một dấu hiệu để người ta giải đoán trước hậu vận của gia chủ năm đó. Bởi vậy, gia chủ sẽ căn cứ vào sự thành đạt, tài cán, đức độ, sức khỏe... của người xông đất để đoán vận hạn cho mình. Ai cũng mong người xông đất cho gia đình mình là người thành đạt, khỏe mạnh, tâm tính tốt… để gia chủ có một năm may mắn, làm ăn phát đạt và cuộc sống an lành.

Bà Hòa ở Trương Định, Hà Nội, kể rằng trước kia, khách xông đất cho gia đình bà chính là chồng bà. Sau khi chồng mất, bà mới tìm người hợp với tuổi mình để mời làm khách xông đất.

Được biết năm nay, tuổi Canh Dần của bà cần một người xông đất tuổi có hành can là Nhâm, Bính, Mậu, bà Hòa nghĩ ngay đến người em út nhà chồng sinh năm Bính Ngọ, ông vừa tốt bụng, phúc hậu, nhà ông lại đông con cháu và con ông ai cũng thành đạt, sống hòa thuận. Được ông xông đất thì bà Hòa yên tâm lắm.

Cùng với các bậc cây cao bóng cả, những người trẻ tuổi cũng tin và coi xông đất là một tục thiêng liêng.

Ví như trường hợp của anh Khánh ở Khương Đình, Hà Nội. Anh cầm tinh con trâu, năm nay anh 28 tuổi. Xem trên các diễn đàn, anh thấy năm Nhâm Thìn, nếu tìm được người tuổi Nhâm Tý, Tân Mão xông đất thì vợ chồng anh sẽ có một năm làm ăn thuận lợi và gia đình hạnh phúc. Vậy là, anh Khánh phải nói khó với trưởng phòng của mình, một người tài giỏi, thân thiện, tốt bụng lại sinh năm Nhâm Tý làm khách xông đất cho nhà anh.

Bên cạnh những nhà phải đi mời khách xông đất thì cũng không ít người chủ của các gia đình tự xông đất cho nhà mình nếu tuổi họ không khắc với năm này.

Không chỉ đối với những gia đình mà ngay cả các doanh nghiệp, tục xông đất cũng được xem trọng và có lẽ với các doanh nghiệp, tục xông đất còn được xem trọng hơn bất cứ tục nào ngày Tết. Người được chọn xông đất đầu năm cho doanh nghiệp sẽ là người hợp tuổi với năm đó, có nhiều thành tích trong năm và có tư cách đạo đức tốt.

Vui, lo chuyện người xông đất

Anh Dũng, Kim Giang, Hà Nội tâm sự, anh sinh năm Nhâm Tuất (1982), năm nay công việc của anh có nhiều thuận lợi, nào là anh được lên chức trưởng phòng, gia đình anh lại mua được ôtô, bởi vậy, họ hàng, bạn bè, những người là trụ cột gia đình hợp tuổi với anh đã tha thiết mời anh đầu năm đến xông đất cho họ. Tính ra, đến nay anh đã nhận được năm lời mời làm khách xông đất.

Có thể nói điều này không chỉ là niềm tự hào của anh Dũng mà còn là dịp để anh ghi thêm điểm trong mắt người vợ mới cưới của mình. Tuy nhiên, anh Dũng cũng hơi lo trước lịch “chạy sô” này.

Anh kể, trong năm gia đình mời anh xông đất chỉ có hai gia đình ở gần nhà anh, còn thì một gia đình ở Đốc Ngữ, một ở phố Thuốc Bắc, một ở Tây Sơn, đường đi lại không thuận chiều nhau. Đêm Giao thừa anh sẽ phải chạy xuôi ngược để hoàn thành nhiệm vụ vì đến ngày mồng Một anh phải ở nhà đón Tết cùng gia đình.

Tuy không “đắt sô” như anh Dũng nhưng anh Phương ở Đê La Thành, Hà Nội cũng có đến hai nơi mời làm khách xông đất, đó là nhà bố mẹ vợ và gia đình người anh kết nghĩa.

“Tuổi mình tuy không khắc nhưng cũng không phải là rất hợp với bố vợ và người anh kết nghĩa. Song mọi người nói thích tính mình nhanh nhẹn, tháo vát lại thật thà, ai cũng mong vía của mình sẽ mang đến cho gia chủ một năm tốt đẹp. Mọi người tin, mình cũng vui,” anh Phương tự hào.

Vui thì vui vậy nhưng anh Phương cũng chia sẻ nỗi lo của mình. Trước nay, anh Phương vẫn tôn trọng và không bỏ qua tục xông đất đầu năm, tuy nhiên, anh chỉ coi đó là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt chứ anh không tin theo kiểu mê tín.

Anh cho rằng, thuận lợi hay khó khăn, hạnh phúc hay bất hạnh của mỗi gia đình phụ thuộc vào cách sống của chính các thành viên trong gia đình họ chứ không phụ thuộc vào người xông đất. Song không phải ai cũng nghĩ như thế nên anh e, nếu năm đó, đời sống của gia chủ có gì không thuận, họ lại đổ lỗi tại anh xông đất thì thật phiền.

Dẫu hãnh diện hay lo lắng thì những người được các gia chủ đặt niềm tin mời làm khách xông đất như anh Dũng, anh Phương cũng sẽ nhiệt tình làm tốt bổn phận của mình để mang lại không khí vui vẻ, phấn chấn cho một năm mới./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục