Không khí Tết có rộn ràng ở đâu thì rộn chứ chưa chạm tới cuộc sống của những dân làng chài Cột 5, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Ngày ngày, những ngư dân vẫn gồng mình đạp nước chống chọi với giá rét căm căm để chèo đò, đi câu rồi khai thác thủy hải sản ven bờ…
Trong khi xóm làng trên đất liền nhà nhà đã ấm sực mùi trầm, mùi hương không khí Tết thì dọc bãi đá làng chài, nơi những con thuyền neo đậu chỉ có một mùi tanh nồng ám ảnh.
Một xóm “thuyền câu bé tẻo teo”
Người phố thị may có những tòa cao ốc, chung cư đông đúc che chắn ngày đại hàn còn dân vạn chài mùa này chỉ biết cắn răng nếm cái tê buốt luồn qua từng vách liếp tạm bợ trên con thuyền chòng chành, thông thốc gió biển Đông.
Cư dân làng chài Cột 5 đều sinh sống trên những chiếc thuyền, bè bé tẻo teo. Đó vừa là nhà nhưng cũng là phương tiện kiếm cơm của mỗi gia đình. Thế nên “ngôi nhà” di động ấy chẳng bao giờ đứng yên, cứ chỗ nào kiếm sống được là cả gia đình, con cái lại dạt đến đó. Một chiếc thuyền, bè nhỏ xíu thế mà cũng đủ cho ba thế hệ bố mẹ, con cái, ông bà quần tụ.
Không như làng chài Cửa Vạn lênh đênh trong lòng di sản vịnh Hạ Long, ngư dân Cột 5 sống sát mép nước. Những người dân làng chài nhỏ bé ngước nhìn hai thế giới, ngẩng mặt lên là con đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả kéo dài hiện đại ngăn cách với khu đô thị cao cấp mới và quay lưng lại đã trùng điệp những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ án ngữ.
Bỗng chốc, trong cơn lốc đô thị hóa làng chài lọt thỏm giữa hai thế giới ấy. Từ khi có con đường ven biển dài thẳng tắp, xóm chài Cột 5 như càng lạc lõng hơn, xa cách hơn ra phía biển. Và, có lẽ cái gọi là “tấc đất cắm dùi” sẽ cứ là giấc mơ mãi xa vời với những người dân tối ngày chỉ biết đến đầu đội lưới, chân đạp mái chèo.
Cuộc đời của những thế hệ “chã” (từ riêng để gọi ngư dân sinh sống bằng nghề chài lưới trên vịnh Hạ Long, xuất phát từ cách đánh lưới phổ biến trước kia của họ: chã cào hay còn gọi là giã cào mà ra) rồi cứ thế nối tiếp nhau, tự nhiên như lẽ “trời sinh voi ắt sinh cỏ”. Mải mê với những mẻ lưới, với những cuốc chèo đò… mà Tết sầm sập đến nơi cũng chẳng mấy ai đoái hoài.
Bên chiếc xe ba bánh đầy ngô, khoai nướng chuyên phục vụ bà con làng chài Cột 5, chị Thanh vừa lật mấy bắp ngô nướng dở vừa nói về những “chã” quanh năm lênh đênh trên thuyền: “Phải đến cận ngày, có khi 30 Tết họ mới mua sắm, còn những ngày này họ vẫn đánh bắt bình thường, họ còn mải gom cá cuối năm. Mùa đông rét mướt mà bỏ lưới thì chỉ có treo niêu.”
Quả đúng thế, chỉ cần liếc qua những ban thờ lạnh lẽo hay cái góc xà treo đồ ăn dự trữ của dân vạn chài là biết ngay, với họ, Tết hãy còn xa lắm! Dân vạn chài ngày ngày vẫn lặng lẽ lo cất những mẻ cá trong cái lạnh cắt da thịt. Với họ Tết chỉ đến khi cá đầy lưới, thuyền nặng khoang...
Trong khi chỉ cách đó một cái liếc mắt trên con đường ven biển Hạ Long kia thôi, những đào những quất, những náo nhiệt phố phường đã tràn về tự bao giờ. Đào phai không khoe sắc rực rỡ và quất chưa ruộm vàng như mọi năm nhưng cũng đủ sức làm bừng lên mùa xuân nơi phố biển. Khoảng cách giữa hai thế giới như càng vời xa.
Tuổi thơ “rái cá”...
Điều đặc biệt ấn tượng khi đến làng chài Cột 5 là những đứa trẻ. Thuyền nhà nào cũng vài ba đứa nheo nhóc. Chúng biết bơi, biết chèo thuyền còn trước cả khi biết chạy. Không hiếm cảnh những bé em mới hai tuổi nhưng đã bơi thuần thục, trông chúng như những con rái cá. Bởi, những đứa trẻ ấy sinh ra trên nước, sống trên nước và cũng chỉ có nước để bầu bạn nên cả tuổi thơ của chúng cứ tung tăng bơi lội thôi.
Chính vì thế, chúng cứ nhảy hết từ “nhà” nọ sang “nhà” kia như con thoi mà chẳng hề ngã. Bé thì vô tư nô đùa, đến lúc nhỉnh hơn, khoảng 5-6 tuổi chúng đã biết thoăn thoắt chèo đò kiếm tiền như một thứ nghề thay vì đến trường như bạn bè cùng trang lứa trên đất liền.
Những đứa trẻ hầu hết không biết chữ. Chúng thạo chài lưới hơn đánh vần, làm tính và chưa kịp lớn đã thạo kiếm tiền hơn làm bài tập. Ở xóm chài này, khách đi đò chủ yếu là hàng xóm có việc lên bờ, mỗi lần đi chỉ trả khoảng 2000 đồng. Thi thoảng có du khách ra thăm làng chài lũ trẻ mới kiếm được món hời, thường là 20-30 nghìn mỗi lượt.
Như em Quân năm nay mới 5 tuổi mà đã chèo thuyền ngoay ngoáy. “Nhà em có ba chị em, cả hai anh chị đều không được đi học. Năm nay em năm tuổi rồi,” mặt mũi, chân tay nứt nẻ vì lạnh và chỉ mặc bộ quần áo xộc xệch, Quân vừa đưa tay quệt mũi vừa nói.
Chân thoăn thoắt trên bãi đá, nó chỉ tay về phía chiếc thuyền nhỏ đằng xa, nơi bố nó đang nghỉ sau chuyến câu đêm. Vừa mấy phút trước đó thôi, nó còn cong người như con tôm khua mái chèo đưa ông nội vào bờ. Hỏi ai dạy em mà bé tí đã chèo đò dẻo thế, Quân bảo: “Em tự biết. Ở đây ai chẳng thế, hai tuổi là biết chèo đò.”
Những đứa trẻ như Quân ở cái xóm chài này, rồi cũng sẽ lớn lên và lại tiếp tục nối nghiệp cha ông mình. Tết sẽ chỉ về với chúng khi sáng ngày 30 bố và các anh trai mướt mải trở về với một khoang thuyền đầy cá.
Niềm vui Tết được thắp lên từ những thứ mà đối với người sống trên bờ thực giản dị vô cùng, chỉ là cái bánh chưng, cành đào nhí hay đơn giản chỉ là bước chân lên đất liền để cảm nhận không khí xuân ngập tràn…/.
Trong khi xóm làng trên đất liền nhà nhà đã ấm sực mùi trầm, mùi hương không khí Tết thì dọc bãi đá làng chài, nơi những con thuyền neo đậu chỉ có một mùi tanh nồng ám ảnh.
Một xóm “thuyền câu bé tẻo teo”
Người phố thị may có những tòa cao ốc, chung cư đông đúc che chắn ngày đại hàn còn dân vạn chài mùa này chỉ biết cắn răng nếm cái tê buốt luồn qua từng vách liếp tạm bợ trên con thuyền chòng chành, thông thốc gió biển Đông.
Cư dân làng chài Cột 5 đều sinh sống trên những chiếc thuyền, bè bé tẻo teo. Đó vừa là nhà nhưng cũng là phương tiện kiếm cơm của mỗi gia đình. Thế nên “ngôi nhà” di động ấy chẳng bao giờ đứng yên, cứ chỗ nào kiếm sống được là cả gia đình, con cái lại dạt đến đó. Một chiếc thuyền, bè nhỏ xíu thế mà cũng đủ cho ba thế hệ bố mẹ, con cái, ông bà quần tụ.
Không như làng chài Cửa Vạn lênh đênh trong lòng di sản vịnh Hạ Long, ngư dân Cột 5 sống sát mép nước. Những người dân làng chài nhỏ bé ngước nhìn hai thế giới, ngẩng mặt lên là con đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả kéo dài hiện đại ngăn cách với khu đô thị cao cấp mới và quay lưng lại đã trùng điệp những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ án ngữ.
Bỗng chốc, trong cơn lốc đô thị hóa làng chài lọt thỏm giữa hai thế giới ấy. Từ khi có con đường ven biển dài thẳng tắp, xóm chài Cột 5 như càng lạc lõng hơn, xa cách hơn ra phía biển. Và, có lẽ cái gọi là “tấc đất cắm dùi” sẽ cứ là giấc mơ mãi xa vời với những người dân tối ngày chỉ biết đến đầu đội lưới, chân đạp mái chèo.
Cuộc đời của những thế hệ “chã” (từ riêng để gọi ngư dân sinh sống bằng nghề chài lưới trên vịnh Hạ Long, xuất phát từ cách đánh lưới phổ biến trước kia của họ: chã cào hay còn gọi là giã cào mà ra) rồi cứ thế nối tiếp nhau, tự nhiên như lẽ “trời sinh voi ắt sinh cỏ”. Mải mê với những mẻ lưới, với những cuốc chèo đò… mà Tết sầm sập đến nơi cũng chẳng mấy ai đoái hoài.
Bên chiếc xe ba bánh đầy ngô, khoai nướng chuyên phục vụ bà con làng chài Cột 5, chị Thanh vừa lật mấy bắp ngô nướng dở vừa nói về những “chã” quanh năm lênh đênh trên thuyền: “Phải đến cận ngày, có khi 30 Tết họ mới mua sắm, còn những ngày này họ vẫn đánh bắt bình thường, họ còn mải gom cá cuối năm. Mùa đông rét mướt mà bỏ lưới thì chỉ có treo niêu.”
Quả đúng thế, chỉ cần liếc qua những ban thờ lạnh lẽo hay cái góc xà treo đồ ăn dự trữ của dân vạn chài là biết ngay, với họ, Tết hãy còn xa lắm! Dân vạn chài ngày ngày vẫn lặng lẽ lo cất những mẻ cá trong cái lạnh cắt da thịt. Với họ Tết chỉ đến khi cá đầy lưới, thuyền nặng khoang...
Trong khi chỉ cách đó một cái liếc mắt trên con đường ven biển Hạ Long kia thôi, những đào những quất, những náo nhiệt phố phường đã tràn về tự bao giờ. Đào phai không khoe sắc rực rỡ và quất chưa ruộm vàng như mọi năm nhưng cũng đủ sức làm bừng lên mùa xuân nơi phố biển. Khoảng cách giữa hai thế giới như càng vời xa.
Tuổi thơ “rái cá”...
Điều đặc biệt ấn tượng khi đến làng chài Cột 5 là những đứa trẻ. Thuyền nhà nào cũng vài ba đứa nheo nhóc. Chúng biết bơi, biết chèo thuyền còn trước cả khi biết chạy. Không hiếm cảnh những bé em mới hai tuổi nhưng đã bơi thuần thục, trông chúng như những con rái cá. Bởi, những đứa trẻ ấy sinh ra trên nước, sống trên nước và cũng chỉ có nước để bầu bạn nên cả tuổi thơ của chúng cứ tung tăng bơi lội thôi.
Chính vì thế, chúng cứ nhảy hết từ “nhà” nọ sang “nhà” kia như con thoi mà chẳng hề ngã. Bé thì vô tư nô đùa, đến lúc nhỉnh hơn, khoảng 5-6 tuổi chúng đã biết thoăn thoắt chèo đò kiếm tiền như một thứ nghề thay vì đến trường như bạn bè cùng trang lứa trên đất liền.
Những đứa trẻ hầu hết không biết chữ. Chúng thạo chài lưới hơn đánh vần, làm tính và chưa kịp lớn đã thạo kiếm tiền hơn làm bài tập. Ở xóm chài này, khách đi đò chủ yếu là hàng xóm có việc lên bờ, mỗi lần đi chỉ trả khoảng 2000 đồng. Thi thoảng có du khách ra thăm làng chài lũ trẻ mới kiếm được món hời, thường là 20-30 nghìn mỗi lượt.
Như em Quân năm nay mới 5 tuổi mà đã chèo thuyền ngoay ngoáy. “Nhà em có ba chị em, cả hai anh chị đều không được đi học. Năm nay em năm tuổi rồi,” mặt mũi, chân tay nứt nẻ vì lạnh và chỉ mặc bộ quần áo xộc xệch, Quân vừa đưa tay quệt mũi vừa nói.
Chân thoăn thoắt trên bãi đá, nó chỉ tay về phía chiếc thuyền nhỏ đằng xa, nơi bố nó đang nghỉ sau chuyến câu đêm. Vừa mấy phút trước đó thôi, nó còn cong người như con tôm khua mái chèo đưa ông nội vào bờ. Hỏi ai dạy em mà bé tí đã chèo đò dẻo thế, Quân bảo: “Em tự biết. Ở đây ai chẳng thế, hai tuổi là biết chèo đò.”
Những đứa trẻ như Quân ở cái xóm chài này, rồi cũng sẽ lớn lên và lại tiếp tục nối nghiệp cha ông mình. Tết sẽ chỉ về với chúng khi sáng ngày 30 bố và các anh trai mướt mải trở về với một khoang thuyền đầy cá.
Niềm vui Tết được thắp lên từ những thứ mà đối với người sống trên bờ thực giản dị vô cùng, chỉ là cái bánh chưng, cành đào nhí hay đơn giản chỉ là bước chân lên đất liền để cảm nhận không khí xuân ngập tràn…/.
ChiLê (Vietnam+)