Xóa nợ thuế: 'Nếu làm sớm, nợ đã không tới cả chục nghìn tỷ đồng'

Đề xuất xóa nợ thuế, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, là hợp lý trong điều kiện những khoản khó đòi hay đúng hơn là không thể đòi đang ngày một phình lên.
Xóa nợ thuế: 'Nếu làm sớm, nợ đã không tới cả chục nghìn tỷ đồng' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đề xuất xóa nợ thuế, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, là hợp lý trong điều kiện những khoản khó đòi hay đúng hơn là không thể đòi đang ngày một phình lên. Tuy vậy, theo ông, đáng lẽ những khoản nợ này không cao đến vậy nếu như được quản từ gốc rễ.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo điện tử VietnamPlus về vấn đề vừa được Bộ Tài chính đề xuất này.

[Vì sao Bộ Tài chính đề nghị xóa hơn 26.500 tỷ đồng nợ thuế?]

- Bộ Tài chính vừa đề xuất khoanh, xóa nợ thuế cho một số đối tượng với tổng số tiền dự kiến xóa lên tới hơn 26.500 tỷ đồng. Đề xuất này có hợp lý không và kinh nghiệm các nước trong vấn đề ra sao, thưa ông?

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Việc xóa nợ thuế ta đã đưa ra một số lần rồi và thực tế, các quốc gia khác cũng làm. Về nguyên tắc, với thuế, các nước thường để nợ thuế trong phạm vi khoảng dưới 5% tổng thu. Đây là mức bình thường.

Nợ thuế có nhiều lý do. Một trong số này là người nộp thuế thực sự gặp khó khăn, có thể do chủ quan, khách quan nhưng trong thời hạn hạn nộp thuế, họ không thể nộp được cho cơ quan chức năng.

Thực tế, có những khoản thuế không nộp do doanh nghiệp gặp khó khăn rồi xin phá sản. Tuy nhiên, từ trước khi xin phá sản, doanh nghiệp đã gặp khó và không có tiền nộp thuế rồi. Theo quy định, cơ quan chức năng phải thu các khoản cho Nhà nước khi doanh nghiệp phá sản nhưng doanh nghiệp không có tiền nữa thì làm sao.

Chưa kể, có những khoản cơ quan thuế cảm thấy không thể thu được do xác định chủ thể rất khó khăn, nếu có thu được cũng không đáng bao nhiêu nên khoản nợ bị treo hết năm này tới năm khác.

Bởi vậy, với những khoản trên, nếu không xóa mà treo thì thực ra có muốn cũng không thu được, có khi chi phí thu được còn cao hơn số nợ. Tất nhiên, việc xóa phải xem xét hợp lý, không thể xóa một cách ào ạt, cần phân loại rõ ràng.

Xóa nợ thuế: 'Nếu làm sớm, nợ đã không tới cả chục nghìn tỷ đồng' ảnh 2Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh. (Nguồn: VTV)

- Có ý kiến phản biện vui rằng: Nếu nói xóa nợ thuế là do người nộp thuế phá sản thì cũng chung chung như đi họp trễ là do kẹt đường. Câu hỏi đặt ra là việc xóa nếu thành hiện thực có thể đặt ra tiền lệ không, theo kiểu cứ không thu được là “xóa bàn cờ đi chơi lại”?

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, việc này không quá đáng ngại. Doanh nghiệp đã phá sản lâu rồi, bây giờ có đi tìm cùng không tìm ra.

Trường hợp khác là doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp còn đó nhưng người này đã trắng tay rồi, đòi nữa là vô lý. Việc xóa nợ thuế có thể tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp đó quay trở lại làm ăn tiếp khi khác. Vì nếu ta cứ treo nợ thì người ta không dám làm nữa vì sợ cơ quan thuế lại tới thu.

Tôi cho rằng, xóa nợ thuế là hợp lý. Thế nhưng, đáng lý khi doanh nghiệp được cho phá sản, giải thể, thu được bao nhiêu thì thu, nếu không thu được thì phải xóa nợ luôn cho các đơn vị này.

- Thực tế có những doanh nghiệp thành lập mới, nhập khẩu ồ ạt hàng hóa với giá khai rẻ rồi giải thể, phá sản. Đây là một trong những hành vi trốn thuế nhưng cũng có thể được hưởng lợi như những trường hợp thực sự khó khăn khác. Vậy, việc xóa nợ có thể tạo ra sự bất bình đẳng, thưa ông?

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Đó cũng là vấn đề. Đúng là có những cá nhân, doanh nghiệp, người ta đã cố tình dùng biện pháp khác nhau để trốn thuế. Thế nhưng, bây giờ ta không thể nào truy xét hết được các doanh nghiệp đó.

Vấn đề quan trọng nhất là người làm công tác quản lý, từ khâu đăng ký doanh nghiệp tới quản lý trong thời gian hoạt động của các đơn vị. Các Bộ, cơ quan phải là nơi có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động này. Một doanh nghiệp khi đã tuyên bố phá sản thì các đơn vị phải xem xét đầy đủ thủ tục, điều kiện. Nếu chấp nhận cho doanh nghiệp phá sản tức là họ phá sản đúng.

Chính vì quản lý không tốt nên mới dẫn tới treo thuế. Bây giờ đi lật ngược lại đi tìm doanh nghiệp đã giải thể, phá sản thì khó. Rõ ràng, cơ quan quản lý phải nêu tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ với hoạt động của doanh nghiệp.

- Trước đó, Bộ Tài chính cũng một vài lần đưa kiến nghị xóa nợ thuế nhưng chưa được chấp thuận. Theo ông, đề nghị lần này liệu có cơ hội thông qua?


Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh:
Việc này trước sau cũng phải đưa ra để xử lý thôi. Quan trọng nhất là Bộ Tài chính giải thích một cách cặn kẽ, rõ ràng với cơ quan có thẩm quyền và tạo ra sự đồng thuận xã hội. Lúc đó, việc này mọi người sẽ thấy cần phải làm, đáng làm và dứt khoát phải làm ngay vì thực tế nợ cứ treo mãi có thu được đâu, lại mất thêm chi phí quản lý.

Hiện tại, mỗi năm có thêm một khoản cả chục nghìn tỷ đồng treo vào thuế nợ, đẩy tổng nợ tích từ năm nọ sang năm kia trong khi đáng ra phải xóa lâu rồi. Có như thế mới làm sạch được tổng kết của cơ quan chức năng nói riêng và kế hoạch nguồn thu nói chung.

Nếu những khoản nợ này ta xử lý được sớm thì có khi nhỏ thôi, chỉ vài nghìn tỷ đồng nhưng để lâu nên bây giờ đã lên tới vài chục nghìn tỷ đồng./.

Bộ Tài chính đề xuất xóa hơn 26.500 tỷ đồng nợ thuế. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục