Xóa nợ học phí đại học - Bài toán khó đối với giới chức Mỹ

Trong sáu tháng qua, hơn 7.500 cựu sinh viên nộp đơn xin xóa nợ 164 triệu USD tiền vay học đại học với lý do trường học đã lừa họ khi đưa ra những lời hứa công việc được trả lương cao sau tốt nghiệp.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: mercy.edu)

Bộ Giáo dục Mỹ đang phải đau đầu xử lý chồng đơn xin được xóa nợ đại học đang đột ngột tăng vọt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do học phí tại Mỹ ngày một cao trong khi lương dành cho người lao động có trình độ đại học trong những năm qua tăng rất chậm, khiến người Mỹ khó có thể trang trải được món nợ đại học của mình.

Theo thông tin đăng trên tờ The Wall street Journal, trong sáu tháng qua, có hơn 7.500 cựu sinh viên nộp đơn xin được xóa nợ cho tổng cộng 164 triệu USD tiền vay để học đại học, với lý do trường học đã đánh lừa họ khi đưa ra những lời hứa đảm bảo sẽ giúp họ có những công việc được trả lương cao sau khi tốt nghiệp.

Theo luật Liên bang Mỹ, khoản nợ đại học sẽ được xóa nếu người vay chứng minh được rằng trường học đã dùng mánh khóe tuyển sinh bất hợp pháp, chẳng hạn như nói không đúng sự thật về chất lượng giáo dục của trường hay phóng đại về thu nhập mà sinh viên có thể được hưởng sau khi tốt nghiệp.

Năm 1994, Mỹ bắt đầu triển khai chương trình xóa nợ đại học nhằm trợ giúp hàng trăm nghìn người Mỹ phải gồng mình trả những món tiền vay ngân hàng để theo học đại học nhưng sau đó không thể kiếm được công việc có mức thu nhập thỏa đáng.

Tuy nhiên, trước thời điểm năm 2015, Bộ Giáo dục Mỹ chỉ phải giải quyết năm đơn xin nợ, và ba trong năm đơn được chấp nhận. Chỉ riêng trong năm 2015, Bộ Giáo dục Mỹ đã đồng ý xóa gần 28 triệu USD tiền vay của 1.300 cựu sinh viên các trường Corinthian - thuộc công ty kinh doanh giáo dục Corinthian do tập đoàn này phá sản trong cùng năm.

Sau vụ việc trường Corinthian, số người nộp đơn xin xóa nợ đột ngột tăng vọt và có nguy cơ khiến ngân sách Mỹ mất hàng trăm triệu USD. Hiện Bộ Giáo dục nước này đang tiến hành một cuộc đàm phán kéo dài một tháng với đại diện của các sinh viên, trường học và chủ nợ để ra những quy định rõ ràng hơn vì chương trình xóa nợ có từ năm 1994 theo họ là rất mơ hồ.

Cho đến nay, gần như tất cả những “con nợ” nộp đơn xin được xóa nợ theo chương trình 1994 là các cựu sinh viên của những trường trực thuộc các công ty kinh doanh giáo dục. 3/4 số này theo học tại các cơ sở thuộc sở hữu của Công ty kinh doanh giáo dục Corinthian trong khi hàng trăm người khác theo học các viện nghệ thuật thuộc sở hữu của Công ty Quản lý Giáo dục, và các viện công nghệ ITT thuộc sở hữu của Công ty Dịch vụ giáo dục ITT. Ba công ty này đang bị Chính phủ Mỹ điều tra vì áp dụng các phương cách tuyển sinh bất hợp pháp.

Theo số liệu của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang tại New York, việc số đơn xin xóa nợ đại học tăng đột biến được xem là hệ quả của việc học phí đại học tại Mỹ đã tăng đến 250% trong vòng 30 năm qua, khiến số nợ của sinh viên trong thập niên qua tăng gần gấp ba, lên tới 1.200 tỷ USD.

Để được học đại học ở Mỹ, trung bình một sinh viên phải trả 29.000 USD/năm. Không phải gia đình nào cũng trang trải được chi phí khổng lồ này, do đó quá nửa học sinh tại Mỹ phải chọn giải pháp đi vay từ các ngân hàng.

Hiện có khoảng 40 triệu sinh viên Mỹ đang phải gồng mình gánh một món nợ khổng lồ có thể lên đến hơn 100.000 USD/người. Với mức thu nhập trung bình của sinh viên mới ra trường hiện nay thì có thể đến 50 tuổi họ vẫn chưa trả hết số nợ này.

Tháng 9/2015, chính quyền Tổng thống Obama đã công bố một loạt sửa đổi đối với chương trình Xin trợ giúp học phí cho sinh viên toàn liên bang nhằm giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho sinh viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục