Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 1,3 tỷ người (một nửa là trẻ em và người trẻ tuổi) trên thế giới sống trong tình trạng nghèo về mọi mặt: mất an ninh lương thực, thu nhập bấp bênh và chủ yếu làm việc trong những lĩnh vực lao động không chính thức.
Những tác động từ đại dịch COVID-19, xung đột cho tới biến đổi khí hậu khiến chênh lệch về cơ hội và thu nhập vẫn tăng mạnh mỗi năm trong khi khoảng cách giàu-nghèo ngày càng nới rộng. Nghèo và bất bình đẳng là những điều vẫn đang tồn tại, với những tác động vô hình nhưng dai dẳng, khiến con người bị đẩy ra rìa xã hội, chịu sự phân biệt đối xử và mất quyền quyết định, làm cho những người mắc kẹt trong nghèo đói càng khó có thể thoát ra, thậm chí khiến họ đánh mất những quyền cơ bản của con người, mất đi nhân phẩm.
Từ thực trạng đó, Liên hợp quốc đã chọn “Nhân phẩm thực sự cho tất cả” (Dignity for all in practice) là chủ đề bao trùm của Ngày Quốc tế xóa nghèo 17/10 năm nay, với thông điệp rằng xóa nghèo dưới mọi hình thức không chỉ là mục tiêu đầu tiên trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, mà còn là lộ trình cần thiết để xây dựng cuộc sống bền vững, phúc lợi và nhân phẩm cho tất cả mọi người.
Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 công nhận nhân phẩm, những quyền lợi ngang bằng và không thể thiếu của tất cả các thành viên trong xã hội loài người chính là nền tảng của tự do, bình đẳng và hòa bình.
Trong khi đó, Ngày Quốc tế xóa nghèo nhằm thể hiện sự tôn trọng và chia sẻ với hàng triệu người trên thế giới trong hoàn cảnh nghèo khó đã dũng cảm vượt khó khăn để duy trì cuộc sống mỗi ngày; kêu gọi đoàn kết toàn cầu và tinh thần sẻ chia trách nhiệm từ mỗi cá nhân và chính phủ để cùng nhau hoàn thành mục tiêu xóa nghèo và đấu tranh chống mọi hình thức phân biệt. Chủ đề năm nay chính là một lời nhắc nhở rằng thế giới cần đảm bảo những cơ hội công bằng cho tất cả mọi người.
Thực tế cho thấy những người sống trong cảnh đói nghèo là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các hành vi vi phạm quyền con người, nhân phẩm của họ cũng không được công nhận và không được tôn trọng. Họ có ít cơ hội hưởng lợi từ những hình thức giáo dục, dịch vụ y tế chất lượng và càng không được hưởng những phúc lợi xã hội phù hợp. Đại dịch COVID-19 thậm chí còn đẩy thêm nhiều người vào cảnh nghèo.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch đẩy thêm khoảng 143-163 triệu người trên thế giới vào tình trạng nghèo khó trong năm 2021, tỷ lệ người nghèo tăng khoảng 8,1% vào năm 2020 so với năm 2019. Gần 50% người bị đẩy vào diện nghèo tập trung ở các nước Nam Á, hơn 30% ở khu vực miền Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.
[Thế giới chệch hướng trong mục tiêu xóa nghèo]
Năm 2023 là năm Liên hợp quốc thực hiện đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và đây là cơ hội cho các chính phủ khẳng định quyết tâm khắc phục tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đang khiến cái nghèo kéo dài hơn và cản trở tiến bộ xã hội.
Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội đều cam kết tìm kiếm những giải pháp bền vững để xóa nghèo, tạo cơ hội việc làm cho tất cả mọi người và xây dựng xã hội bình đẳng, toàn diện hơn. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đoàn kết để đảm bảo công bằng và thực hiện các mục tiêu toàn cầu càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tại Việt Nam, giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.
Trong báo cáo "Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 - Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp" công bố cuối tháng 4 vừa qua, WB nhấn mạnh trong 10 năm qua, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của WB (3,20 USD/ngày ngang giá sức mua năm 2011) giảm từ 16,8% xuống còn 5%, với trên 10 triệu người được thoát nghèo.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cho biết trong nghị trình giảm nghèo và bình đẳng, cho đến nay Việt Nam đã làm rất tốt mục tiêu nâng cao mức sống tối thiểu và giải quyết tình trạng nghèo kinh niên.
Liên hợp quốc chỉ rõ thế giới chỉ có thể xóa nghèo bền vững khi giải quyết được các mối đe dọa về an ninh lương thực, cùng tập trung vào giảm nghèo đói và bất bình đẳng, nâng cao năng lực, đảm bảo sinh kế bền vững và công bằng xã hội cho tất cả mọi người, và đặc biệt, tôn trọng phẩm giá con người. Điều đó có nghĩa lộ trình xóa nghèo bền vững không chỉ tập trung vào sự hỗ trợ về mặt vật chất mà còn cần sự tôn trọng năng lực và nhân phẩm, từ đó khơi dậy niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên thoát nghèo của chính những người đang khốn khó.
Chính sách “giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật” mà Việt Nam đang triển khai cũng thể hiện rõ nét quan điểm tôn trọng nhân phẩm, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người nghèo, thực hiện xóa đói giảm nghèo để bảo đảm quyền con người./.