Xóa bỏ chênh lệch giá vàng: Nên cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trở lại

Theo các chuyên gia, muốn xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đơn giản là dùng các biện pháp thương mại mà không cần phải dùng các biện pháp tiền tệ như là đấu giá vàng miếng.

Chuyên gia kiến nghị muốn xóa bỏ chênh lệch giá vàng, nên cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trở lại. (Ảnh: Vietnam+)
Chuyên gia kiến nghị muốn xóa bỏ chênh lệch giá vàng, nên cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trở lại. (Ảnh: Vietnam+)

Đã nhiều năm, thị trường vàng trong nước mới chứng kiến sự biến động mạnh như bây giờ. Từ sau Tết Nguyên đán 2024, vàng bắt đầu lên giá. Cao điểm trong vòng 1 tháng qua, vàng miếng cùng vàng nhẫn liên tục phá kỷ lục giá, kéo theo việc cả bên bán lẫn người mua cùng nhau “đu đỉnh.”

Nhằm kéo khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới về gần nhau và cũng là để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia đã đưa ra nhiều hiến kế quan trọng như đấu thầu vàng, tăng cường các giải pháp quản lý thị trường…

Sử dụng các biện pháp thương mại

Ngày 16/4, bên lề hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng có hai vấn đề hay được nhắc tới thị trường vàng là vàng hóa và chênh lệch cao bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới. Hiện nay, công tác chống vàng hóa đã được thực hiện thành công vì Ngân hàng Nhà nước Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng).

“Chúng ta đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay, nên vàng hóa đã kết thúc,” ông Nghĩa khẳng định.

Dù vậy, vấn đề còn lại là chênh lệch giá vàng cao đến mức phi lý, đến nay vẫn rất nhức nhối. Căn nguyên của tình trạng này là từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị cắt đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn lên tới khoảng 55 tấn mỗi năm (theo Hội đồng Vàng thế giới).

“Như vậy, để bù đắp nhu cầu này thì phải nhập lậu hoặc là tăng giá vàng trong nước lên. Đây là chuyện đương nhiên. Nên muốn xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đơn giản là dùng các biện pháp thương mại, không cần phải dùng các biện pháp tiền tệ như là đấu giá vàng miếng. Đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng,” ông Nghĩa khẳng định.

Cũng theo ông Nghĩa, Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng.

Ông Nghĩa chia sẻ thêm, đấu thầu vàng có thể tạo ra tác động tâm lý nào đó rất ngắn hạn, còn căn cơ nhất, dài hạn nhất và thông lệ quốc tế nhất là phải cho xuất nhập khẩu vàng miếng, cho sản xuất kinh doanh vàng tự do và bán vàng là phải có thuế.

“Trên thế giới, còn mỗi Việt Nam là có Ngân hàng Trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý. Cần trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác,” ông Nghĩa kiến nghị.

Liên quan đến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, ông Nghĩa cho rằng những năm qua, cung vàng trong nước được đáp ứng bởi vàng nhập lậu mà vàng nhập lậu đương nhiên cũng phải sử dụng đến nguồn ngoại tệ trong nước, trong khi nhà nước thất thu thuế. Mặt khác, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.

Chia sẻ thêm về đấu thầu vàng, tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng việc đấu thầu vàng đã triển khai 11 năm qua. Năm 2013 có 76 phiên đấu thầu vàng. Lần này Ngân hàng Nhà nước cho vận hành hoạt động nghiệp vụ này trở lại để cơ bản tăng tính công khai minh bạch, tăng nguồn cung vàng qua đó giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nhất là thương hiệu SJC, với giá vàng trên thế giới cũng như giá vàng SJC với các thương hiệu vàng khác.

vnp_123.jpg
Giá vàng tăng cao, nhiều người dân "đổ xô" đi mua và bán vàng. (Ảnh: Vietnam+)

Lý giải vì sao Việt Nam không nhập khẩu vàng, theo ông Lực đâu đó vẫn phải nhập khẩu lượng nhất định vì cơ bản Việt Nam không có nhiều nguồn vàng nhiều ở trong nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải tính toán nhập bao nhiêu vàng về ở thơi điểm nào để đảm bảo quan hệ cung cầu vừa để kiểm soát dự trữ ngoại hối, qua đó góp phần ổn định tỷ giá cũng như kinh tế vĩ mô.

“Về cơ bản chúng ta có kế hoạch, phương án, cách thức xử lý, vấn đề là sắp tới chúng ta nhất quán thực hiện. Tôi nghĩ chúng ta sớm ổn định được thị trường vàng trong thời gian tới nhưng nên lưu ý thời gian vàng tăng mạnh chủ yếu là do vàng thế giới dưới tác động của xung đột địa chính trị, chiến tranh Trung Đông,” ông Lực nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm buôn lậu, đầu cơ trục lợi

Đó là đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong văn bản vừa gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại kinh doanh vàng miếng nhằm tăng cường quản lý thị trường vàng.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện số 23, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...

Ngoài ra Bộ Công an phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này.

Web.jpg
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các Bộ phối hợp xử lý nghiêm buôn lậu, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng. (Ảnh: Vietnam+)

Mặt khác ngành tài chính tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để Ngân hàng Nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả; hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu.

Riêng với các đơn vị kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nghiêm túc chấp hành các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đảm bảo thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá.

Các đơn vị kinh doanh vàng thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định; áp dụng hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua, bán vàng, đặc biệt là mua, bán vàng miếng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục