Xóa bỏ bếp than tổ ong tại Hà Nội: Hành động mạnh mẽ để đạt mục tiêu

Từ ngày 1/1/2021, cá nhân, hộ gia đình sử dụng than tổ ong sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị quyết 155/NĐ-CP của Chính phủ.
Bếp than tổ ong được người dân sử dụng làm phương tiện đun nấu tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Thời gian gần đây, Hà Nội đứng trong tốp những thành phố có chất lượng không khí ở mức xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Một trong những nguồn phát tán ô nhiễm nguy hại chính là khói từ việc sử dụng bếp than tổ ong.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ hơn 500 tấn than, đồng thời thải ra 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí.

Trước thực trạng này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 với mục tiêu đặt ra đến ngày 31/12/2020, các địa phương phải xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô đã giảm mạnh, nhiều nơi đã xóa bỏ được hoàn toàn loại bếp này.

Tuy nhiên, để có thể xử lý triệt để thói quen đốt than tổ ong, Hà Nội cần thực hiện một số biện pháp quyết liệt hơn và luôn xác định công tác loại bỏ phải được duy trì liên tục.

Số lượng bếp than tổ ong giảm mạnh

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến quý 3/2020, Hà Nội còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017). Các địa bàn có tỷ lệ giảm cao nhất là quận Hoàn Kiếm, các huyện Thạch Thất và Sóc Sơn. Trong khi đó, 5 quận, huyện vẫn còn số lượng bếp than ở mức cao nhất, lần lượt là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và Đan Phượng.

Khảo sát nhanh của Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) phối hợp cùng Trung tâm Sống, Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, thực hiện tại 10 điểm sản xuất than, bếp than tổ ong tại các quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, cho thấy từ tháng 9 đến tháng 11/2020, số lượng than bán ra giảm mạnh, trung bình hiện nay dưới 1.000 viên/ngày/xưởng. Các xưởng sản xuất than đều đã chuyển đổi, đa dạng hóa hình thức kinh doanh nhỏ lẻ khác.

Quan sát trên các tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm như Hàng Bài, Hàng Bông, Bà Triệu, Nam Ngư, Quán Sứ... hiện không còn xuất hiện bếp than tổ ong. Người dân đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than và chuyển sang dùng bếp gas, bếp điện, bếp thân thiện với môi trường.

[Hà Nội hiện vẫn còn tới hơn 15.000 bếp than tổ ong]

Anh Nguyễn Mạnh Đức, làm công việc bán hàng ăn nhỏ trên phố Hàng Bồ, cho biết trước kia, anh sử dụng bếp than tổ ong là chủ yếu. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền tuyên truyền về tác hại của than tổ ong, anh đã chuyển sang loại bếp khác đảm bảo an toàn cho khách và bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Bếp than tổ ong nghi ngút khói trên phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Tương tự, dạo quanh các phố của quận Hai Bà Trưng, Ba Đình... bếp than tổ ong cũng không còn nhiều như trước đây. Người dân đã nhận thức được việc loại bỏ bếp than tổ ong là cần thiết và đã cố gắng thay đổi.

Vẫn còn khó khăn

Theo số liệu, một số quận không còn ghi nhận nhiều trường hợp sử dụng bếp than tổ ong như các năm trước, có quận xác nhận đã xóa bỏ 100% bếp than. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế ở một số địa bàn như: Hà Đông, Long Biên, Tây Hồ, Hoàng Mai, Đống Đa... vẫn còn không ít người dân sử dụng bếp than tổ ong phục vụ kinh doanh cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Việc xuất hiện rải rác bếp than tổ ong tại thời điểm này thường là của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán trên vỉa hè, hộ thuê nhà để kinh doanh, người có thu nhập thấp. Một trong những nguyên nhân là do giá thành than tổ ong thấp, chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/viên, khoảng 100.000-200.000 đồng/bếp.

Chị Nguyễn Thị Thu, hộ kinh doanh trên vỉa hè ở quận Long Biên chia sẻ: “Tôi biết thành phố có chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong vì gây ô nhiễm môi trường nhưng gia đình tôi chưa có điều kiện để mua bếp ga, bếp điện. Với lại chỗ tôi ngồi bán khó kéo dây điện tới, lắp đặt không đơn giản nên giờ tôi vẫn sử dụng bếp than tổ ong để đun, nấu."

Đi sâu vào ngõ nhỏ, chợ dân sinh, khu phố cổ trên khắp các địa bàn, những chiếc bếp than tổ ong của một vài gia đình đang còn đỏ lửa. Hình ảnh người dân, các hộ kinh doanh sử dụng bếp than tổ ong làm phương tiện đun nấu vẫn xuất hiện.

Anh Ngô Việt Hòa, bán hàng nước ở quận Hoàng Mai cho rằng, sử dụng bếp than tổ ong tiết kiệm hơn so với việc dùng bếp gas, bếp điện. Vì vậy, anh vẫn tiếp tục sử dụng loại bếp này.

Vì thói quen khó bỏ cùng hoàn cảnh gia đình và lợi nhuận kinh tế nên các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng bếp than tổ ong để đun, nấu hàng ngày. Họ muốn sử dụng loại bếp mới, những người kinh doanh than cũng muốn chuyển đổi nghề nghiệp nhưng rất khó, cần sự hỗ trợ của chính quyền. Bên cạnh đó, nhiều người giữ thái độ bảo thủ, tiếp tục sử dụng bếp chui, che đậy bếp để qua mắt cơ quan chức năng mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở.

Hành động mạnh mẽ để đạt mục tiêu

Sử dụng bếp than tổ ong vốn là thói quen được hình thành cách đây vài chục năm. Nhiều hộ dân vẫn duy trì thói quen này, mỗi ngày, có thể dùng tới chục viên than. Tuy nhiên, bếp than tổ ong làm ảnh hưởng tới sức khỏe, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Do đó, việc xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong để giảm ô nhiễm môi trường là đúng đắn và cần được triển khai mạnh mẽ.

Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, khi đốt than tổ ong, các khí độc hại như CO, SO2, NOx và bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) sẽ thải ra môi trường. Con người hít phải những loại khí độc này về lâu dài sẽ gây các bệnh về hô hấp, tim mạch, ảnh hưởng chức năng phổi, gây tổn thương hệ thần kinh và suy giảm khả năng miễn dịch.

Nghiên cứu năm 2018 của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho thấy, lượng bụi mịn PM 2.5 mà người trực tiếp sử dụng bếp than tổ ong hít vào cao hơn 7-8 lần so người đứng cách xa vài mét. Đặc biệt, quá trình đốt than ở trong không gian kín khiến người đun rơi vào nguy cơ rủi ro cho sức khỏe cao hơn khi đốt than ở bên ngoài.

Cán bộ dân phố đang vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong tại quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Nhận thức rõ tác hại từ việc sử dụng bếp than tổ ong, từ khi Chỉ thị 15/CT-UBND được ban hành, các cấp chính quyền thành phố đã triển khai tuyên truyền, thông báo trên loa phát thanh nhằm nâng cao nhận thức, vận động hộ gia đình, hộ kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong, chuyển đổi sang loại bếp phù hợp. Các tài liệu truyền thông về tác hại của bếp than tổ ong đã được dán tại nhiều điểm như bảng tin tổ dân phố, khu chợ, nhà văn hóa...

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao nhận thức và loại bỏ thói quen của người dân, các cấp chính quyền cần chủ động rà soát, đẩy mạnh tuyên truyền, đề ra giải pháp thích hợp giúp người dân hiểu, đồng lòng thay đổi.

Mặt khác, các cấp chính quyền cần có những hướng dẫn cụ thể cũng như hỗ trợ người dân trong việc thay thế bếp than tổ ong bằng loại bếp thân thiện với môi trường, phù hợp điều kiện kinh tế của người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo. Thành phố cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở sản xuất than và bếp than tổ ong, xây dựng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, phân phối bếp thân thiện môi trường.

Sự chung tay hành động mạnh mẽ từ phía chính quyền, các tổ chức và người dân sẽ giúp Hà Nội đạt mục tiêu, xóa bỏ bếp than tổ ong để giảm thiểu ô nhiễm, mang lại không khí trong lành cho Thủ đô. Từ ngày 1/1/2021, cá nhân, hộ gia đình sử dụng than tổ ong sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị quyết 155/NĐ-CP của Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục