Sau khi TTXVN có loạt bài về tình trạng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á (Khu công nghiệp Liên Chiểu) và Công ty cổ phần ECICO (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng) ngang nhiên “xí phần” đất công nghiệp để cho thuê nhà xưởng trái phép hàng chục năm qua, các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng đang kiểm tra, xử lý vụ việc.
Hiện tại, các công ty này đang lấy lý do khó khăn trong kinh doanh để tránh việc bị thu hồi dự án, thu hồi đất theo quy định.
Xin “hợp thức hóa”
Mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á đã có công văn số 375/2017/CV-VA ngày 15/7/2022 đề nghị bổ sung ngành nghề cho thuê nhà xưởng.
Ngày 16/8/2022 đã diễn ra cuộc họp giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á (đại diện là ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc Tài chính) với đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cùng chủ đầu tư Khu công nghiệp Liên Chiểu (Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng) để xin bổ sung giấy chứng nhận đầu tư.
["Xí phần" đất công nghiệp: Cần xử lý dứt điểm tránh thất thu ngân sách]
Trong biên bản cuộc họp, phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á cho biết công ty đã triển khai xây dựng giai đoạn I và đưa nhà máy vào sản xuất từ năm 2007-2008 nhưng do khó khăn, khủng hoảng tài chính, dịch COVID-19 kéo dài nên công ty làm ăn thua lỗ. Do đó, công ty này đã cho một số doanh nghiệp thuê một phần nhà xưởng để có chi phí trả nợ.
Bởi vậy, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á mong Ban Quản lý và chủ đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ cho phép bổ sung mục đích cho thuê nhà xưởng dư thừa vào giấy phép đầu tư để khắc phục khó khăn.
Đồng thời, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á đề nghị Ban Quản lý thu hồi văn bản liên quan đến chủ trương thu hồi diện tích 4ha đất trống chưa xây dựng nhà xưởng.
Về phía chủ đầu tư Khu công nghiệp Liên Chiểu lại cho rằng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á không triển khai dự án theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, không sử dụng đất đúng mục đích, đã bị thu hồi dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, công ty còn nợ tiền thuê lại đất, tiền sử dụng hạ tầng và các khoản tiền lãi phát sinh; tự ý cho thuê nhà xưởng trái phép.
Vì vậy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á không còn quyền lợi gì tại lô đất, phải thanh toán toàn bộ công nợ và hoàn trả lại toàn bộ lô đất đang sử dụng sai mục đích (trước mắt hoàn trả 4ha đất trống).
Theo Thông báo số 119/TB-Vp của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ngày 30/5/2016 và Công văn số 738/BQL-QLĐT ngày 2/6/2016 của Ban Quản lý, việc thu hồi 4 ha đất này nhằm mục đích tìm kiếm nhà đầu tư khác lập dự án, tránh lãng phí đất công nghiệp.
Giải pháp tháo gỡ
Sau khi TTXVN phản ánh vụ việc, các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, Công ty cổ phần ECICO đã có văn bản gửi cơ quan chức năng xin “chuyển nhượng lại mặt bằng nhà xưởng trên lại cho đối tác có nhu cầu;” Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á cũng đề nghị “bổ sung mục đích cho thuê nhà xưởng dư thừa vào giấy phép đầu tư.”
Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) nhận định đối với các dự án đã bị thu hồi, việc xin “chuyển nhượng” hay “bổ sung” đều trái quy định pháp luật.
Từ năm 2015, các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cáp điện Việt Á và Công ty cổ phần ECICO đã bị chính quyền thành phố Đà Nẵng có thông báo thu hồi dự án, thu hồi đất nhưng đến nay, chính quyền thành phố vẫn gặp vướng mắc, chưa thể thu hồi dự án, thu hồi đất, vì các doanh nghiệp đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để vay tiền ngân hàng.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc này, Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt cho rằngdoanh nghiệp trên đang nợ nhiều tỷ đồng tiền thuế, phí đối với chủ đầu tư các khu công nghiệp, đã có phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam.
Vì vậy chủ đầu tư các khu công nghiệp có thể sử dụng quyền của mình mà pháp luật hiện hành đã quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó là yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền mở thủ tục phá sản đối với các doanh nghiệp trên.
Theo quy định tại khoản 1, điều 5, Luật Phá sản 2014: “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn ba tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”
Trong quá trình xử lý yêu cầu phá sản của các doanh nghiệp mắc nợ, tòa án sẽ giải quyết cả những khoản nợ liên quan đến ngân hàng cũng như các chủ nợ khác nếu có.
Khi xử lý xong thủ tục phá sản, chủ đầu tư các khu công nghiệp có thể nhận lại "quyền sử dụng đất” đối với phần đất công nghiệp được thu hồi, để cho cá nhân/tổ chức khác thuê, tránh lãng phí đất đai.
Bên cạnh đó là tài sản bằng tiền theo phán quyết của tòa, đối với khoản tiền mà doanh nghiệp đã thu từ việc cho thuê lại (nếu có), cộng với tài sản gắn liền với đất thu hồi được (tài sản đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng).
Trong quá trình giải quyết theo trình tự phá sản, nếu xét thấy có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự, tòa án có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để tiến hành xác minh, điều tra./.