Xét xử vụ tham ô ở PVP Land: Mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo

Trong phần xét hỏi, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tham ô tại PVP Land chiều 24/1, lời khai của một số bị cáo bộc lộ nhiều mâu thuẫn xoay quanh việc thực hiện hành vi phạm tội.
Xét xử vụ tham ô ở PVP Land: Mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo ảnh 1Bị cáo Đinh Mạnh Thắng (bên trái) và bị cáo Trịnh Xuân Thanh (bên phải) trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử tại phiên tòa. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 24/1, Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) cùng các đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) được tiếp tục với phần xét hỏi. Quá trình Hội đồng xét xử thẩm vấn, lời khai của một số bị cáo bộc lộ nhiều mâu thuẫn xoay quanh việc thực hiện hành vi phạm tội.

Theo cáo trạng, quá trình PVP Land thoái vốn tại Dự án xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp Nam Đàn Plaza, PVP Land đã ký Hợp đồng chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần thể hiện giá chuyển nhượng chỉ là 13.578 đồng/cổ phần (tương đ­ương 34 triệu đồng/m2 đất Dự án Nam Đàn Plaza). Như vậy, so với giá đã được thỏa thuận trong Hợp đồng đặt cọc (52 triệu đồng/m2), tổng giá trị hợp đồng giảm hơn 87 tỷ đồng.


[Vụ án PVP Land: Rút ruột tiền Nhà nước bằng những hợp đồng gian dối]

Với số tiền hơn 87 tỷ đồng chênh lệch này, các bị cáo đã chia nhau chiếm đoạt tổng số 49 tỷ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) đã chiếm đoạt 5 tỷ đồng, Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVP Land) đã chiếm đoạt 8 tỷ đồng, Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) chiếm đoạt 2 tỷ đồng…

Về số tiền 14 tỷ đồng đã chiếm đoạt, Trịnh Xuân Thanh khai, ngày 28/3/2010, bị cáo Đinh Mạnh Thắng mời bị cáo Thanh đi ăn. Sau bữa ăn, lái xe của Trịnh Xuân Thanh là Nguyễn Đặng Toàn nói với Thanh về việc lái xe của bị cáo Thắng đưa tiền. Bị cáo Thanh về nhà mở túi ra, thấy tiền nhưng không đếm nên không biết là bao nhiêu. Sau này, khi bị cáo Thái Kiều Hương thông báo phải trả lại tiền, Trịnh Xuân Thanh đã bảo Thắng đến văn phòng của mình để nhận lại 14 tỷ đồng.

Đối chất tại tòa, bị cáo Đinh Mạnh Thắng khai, có thể Trịnh Xuân Thanh nhớ nhầm. Thực tế hôm gặp Trịnh Xuân Thanh tại nhà hàng, Thắng không đưa tiền. Hôm đó, Thắng mới chỉ trình bày ý định mong nhận được sự ủng hộ của Trịnh Xuân Thanh trong việc thoái vốn của PVP Land tại Dự án Nam Đàn Plaza.

Về việc cả hai bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Vietsan) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (trú tại Phường 10, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, làm nghề kinh doanh tự do) khai cùng nhau lên gặp bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại văn phòng của Thanh tại trụ sở PVC, bị cáo Thanh khẳng định chỉ gặp Hương 1 lần duy nhất tại nhà hàng trên phố Xuân Diệu (Hà Nội).

Thanh cũng cho rằng mình hoàn toàn không chỉ đạo bán đất Dự án Nam Đàn Plaza với giá 40 triệu đồng/m2 như lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương. Vì theo bị cáo Thanh, PVP Land mới sáp nhập về PVC được 2 tháng, nhân sự cũng có nhiều người Thanh mới gặp lần đầu nên việc ngồi bàn bạc về hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trị giá hàng trăm tỷ đồng là không thể.

Tham gia thẩm vấn tại Phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi có hay không việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai Dự án Nam Đàn Plaza vào ngày 10/2/2010? Bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận mình có tham gia cuộc họp này. Tuy nhiên, bị cáo Thanh phủ nhận việc cáo trạng cho rằng, tại cuộc họp này, bị cáo Thanh đã “yêu cầu PVP Land khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án đầu tư kinh doanh dự án, đảm bảo tính khả thi, báo cáo về PVC thông qua Ban Kinh tế đấu thầu.”

Trịnh Xuân Thanh cho rằng, PVP Land không có tiền nên không có khả năng thực hiện được dự án này. Do đó, việc bán được cổ phần của Dự án Nam Đàn Plaza đối với bị cáo là điều rất mừng. Việc quan tâm duy nhất của bị cáo Thanh đối với dự án này là được Công ty 1/5 (đơn vị mua lại Dự án) đồng ý cho PVC làm tổng thầu thực hiện toàn bộ dự án này theo hình thức chìa khóa trao tay.

Tham gia xét hỏi, Luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) hỏi bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) rằng, có cần thiết phải trình PVC về việc thoái vốn của PVP Land tại Dự án Nam Đàn Plaza hay không? Bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh khẳng định, theo điều lệ Hội đồng Quản trị thì không cần, nhưng vào thời điểm đó, nhất định phải có sự đồng ý của PVC, việc thoái vốn mới thực hiện được. PVP Land thời điểm đó triển khai rất nhiều dự án nên muốn thoái vốn ở Dự án Nam Đàn Plaza để tập trung cho các dự án khác.

Ngày 25/1, Phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan./.

Xét xử vụ tham ô ở PVP Land: Mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo ảnh 2
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục