Xét xử vụ BHXHVN: Xác định trách nhiệm đối với gần 1.700 tỷ đồng

Trong khi đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng Agribank phải chịu trách nhiệm trả gần 1.700 tỷ đồng này thì phía Agribank khẳng định không có trách nhiệm phải trả.
Xét xử vụ BHXHVN: Xác định trách nhiệm đối với gần 1.700 tỷ đồng ảnh 1Bị cáo Lê Bạch Hồng (sinh năm 1954, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) khai báo lý lịch. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 19/9, ngày thứ hai Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank), các luật sư đã tập trung đặt câu hỏi nhằm xác định trách nhiệm đối với gần 1.700 tỷ đồng bị thất thoát.

Trong khi đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng Agribank phải chịu trách nhiệm trả gần 1.700 tỷ đồng này thì phía Agribank khẳng định không có trách nhiệm phải trả.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2008 đến tháng 9/2009, trong thời kỳ đương chức Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hai bị cáo Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng đã ký 14 hợp đồng cho ALC II vay 1.010 tỷ đồng để kinh doanh.

Việc cho vay này được Bảo hiểm xã hội Việt Nam dựa trên các thư bảo lãnh của Agribank để cho ALC II vay tiền. Sau khi ALC II phá sản, Công ty này hiện còn nợ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cả gốc lẫn lãi là gần 1.700 tỷ đồng.

[Xét xử nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đồng phạm]

Tại phiên tòa, cả 2 bị cáo Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng đều khai việc cho ALC II vay vốn là căn cứ vào thư bảo lãnh của Agribank. Bởi trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Agribank đã ký Thỏa thuận hợp tác số 01/LN, theo đó ngân hàng khi bảo lãnh cho công ty con, sẽ trả toàn bộ khoản nợ khi công ty "phá sản."

Cả hai bị cáo đều tin tưởng Agribank là đối tác làm ăn tin cậy nên đã phê duyệt cho ALC II vay vốn.

Về nội dung này, đại diện của Agribank trình bày, Thỏa thuận 01 với Bảo hiểm xã hội Việt Nam phù hợp từng giai đoạn và chỉ có tính chất định hướng, nếu không phù hợp thì không phải tuân thủ theo.

Vị đại diện này khẳng định, căn cứ vào tờ trình của ALC II, ngân hàng Agribank đã phát hành bảo lãnh thanh toán, trong đó có nói nội dung về nhận vốn nội tệ, bên cam kết thanh toán chứ không phải trả tiền. Mục đích Agribank bảo lãnh là để ALC II nhận tiền gửi của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cụ thể, Agribank bảo lãnh thanh toán để nhận vốn nội tệ chứ không phải bảo lãnh cho ALC II vay vốn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Qua đó, đại diện Agribank cho rằng ngân hàng này không có trách nhiệm trả nợ và việc ALC II vay vốn là mục đích của họ, bản thân công ty này cũng đang vay nợ của Agribank.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Lê Bạch Hồng cho rằng khi cho ALC II vay theo bảo lãnh của Agribank, bị cáo rất yên tâm vì thấy bảo đảm an toàn và có hiệu quả.

Được trích xuất đến phiên tòa, ông Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng Giám đốc ALC II, bị án đang chờ thi hành án tử hình) trình bày, nếu không có bảo lãnh của Agribank, thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể không cho ALC II vay tiền.

Cuối giờ chiều 19/9, Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Sáng 20/9, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục