Sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án, ngày 7/2, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB Bank), đề nghị điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ không thể bổ sung tại phiên tòa.
Theo Hội đồng xét xử, trong quá trình xét xử tại tòa, bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank) khẳng định có gặp và bàn bạc với bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và chỉ đạo bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) làm thủ tục cho Phạm Công Danh vay tiền. Bị cáo Trầm Bê khẳng định không biết mục đích thực sự của việc vay tiền, không tư lợi cá nhân và cho rằng việc bị quy buộc cố ý làm trái là không thỏa đáng; việc chỉ có ông Bê và Danh bị truy tố, xét xử là không công bằng.
Tương tự, các bị cáo nguyên là cán bộ hai ngân hàng BIDV và TPBank đều khẳng định không quen biết Phạm Công Danh, không biết các công ty vay tiền có liên quan đến Phạm Công Danh mà chỉ biết các công ty này được VNCB bảo lãnh, bản thân không hưởng lợi cá nhân. Vì vậy, Hội đồng xét xử yêu cầu cần điều tra làm rõ hành vi của các bị cáo này là sai sót nghiệp vụ hay phạm tội cố ý làm trái như đã bị truy tố.
Cũng trong quá trình diễn ra phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa theo ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị thu hồi số tiền 6.126 tỷ đồng tại ba Ngân hàng BIDV, TPBank và Sacombank trả lại cho VNCB do đây là vật chứng của vụ án. Tuy nhiên, đại diện ba Ngân hàng trên phản bác đề nghị này, đồng thời Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng kiến nghị không nên thu hồi số tiền đó vì nếu thu hồi sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chính ngân hàng.
Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử yêu cầu, nếu xem số tiền này là tiền vật chứng của vụ án thì phải làm rõ đây là số tiền vật chứng của hành vi cố ý làm trái nào, hành vi này đã vi phạm quy định nào về quản lý kinh tế của Nhà nước. Trên cơ sở đó, cần xác định vật chứng vụ án, lúc đó mới có căn cứ thu hồi.
Một nút thắt khác của vụ án là việc xem số tiền 4.500 tỷ đồng mà bị cáo Phạm Công Danh đã vay của ngân hàng BIDV và TPBank để nâng vốn điều lệ cho VNCB nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, có nằm trong tổng số tiền thiệt hại 6.126 tỷ đồng hay không. Phía Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận số tiền này được chuyển về VNCB và có hạch toán, có bút toán. Theo Hội đồng xét xử, số tiền này được Phạm Công Danh chuyển về và được VNCB sử dụng. Vì thế, cần xem xét cụ thể việc VNCB có thiệt hại 6.126 tỷ đồng hay ở mức khác, đồng thời phải có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ nếu có.
Đối với hành vi của Phạm Công Danh đã bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, trong quá trình xét xử có ý kiến cho rằng, hành vi của bị cáo Danh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hội đồng xét xử ghi nhận quan điểm này và cho rằng cần làm rõ dòng tiền mà Phạm Công Danh sử dụng cho việc trả các khoản nợ vay trước đó, sử dụng cá nhân, tăng vốn điều lệ hay dùng để trả lương cho nhân viên.
Đây là giai đoạn hai của vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của VNCB (giai đoạn 1 gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng). Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập 29 hồ sơ khống đứng tên vay vốn tại ba Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Số tiền vay được, ông Danh đem sử dụng mục đích cá nhân, không có khả năng chi trả. Ngoài ra, ông Danh cùng đồng phạm dùng tiền của VNCB gửi sang ba Ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay nhưng sau đó bị ba Ngân hàng trên thu hồi nợ từ chính số tiền gửi này. Những sai phạm của Phạm Công Danh và các đồng phạm khiến VNCB bị thiệt hại 6.126 tỷ đồng./.