Xét xử vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Ban Quản lý dự án Nghi Sơn

Các bị cáo đã sử dụng số tiền 1.650 tỷ đồng gửi ngân hàng trong thời gian ngắn, lấy chênh lệch lãi suất có kỳ hạn với lãi suất không kỳ hạn tổng cộng hơn 20 tỷ đồng để ngoài sổ sách kế toán.
(Từ trái sang) Bị cáo Trần Khắc Hiệp, Lê Xuân Hoàng và Nguyễn Mạnh Tấn tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 29/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Lập quỹ trái phép” xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (viết tắt là Ban Quản lý dự án Nghi Sơn).

Ba bị cáo trong vụ án này gồm: Trần Khắc Hiệp (sinh năm 1957, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn), Lê Xuân Hoàng (sinh năm 1962, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Ban Quản lý dự án Nghi Sơn), Nguyễn Mạnh Tấn (sinh năm 1981, nguyên nhân viên Phòng Tài chính kế toán, Ban Quản lý dự án Nghi Sơn) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lập quỹ trái phép” theo quy định tại Điều 205, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, từ năm 2010-2015, lợi dụng chức vụ Trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn, được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ủy quyền để đàm phán, ký, thực hiện hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn và sau khi nhận được tiền thanh toán cho Hợp đồng san lấp mặt bằng hoàn thiện và Hợp đồng nạo vét công trình biển gói BoQ2, Tôn Anh Thi, Trần Khắc Hiệp đã bàn bạc, thống nhất với Lê Xuân Hoàng sử dụng tổng số 1.600 tỷ đồng nguồn tiền này và 50 tỷ đồng từ nguồn do PVN cấp để gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Thanh Hóa và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) Thanh Hóa trong thời gian ngắn (1 tuần đến 1 tháng), lấy chênh lệch lãi suất có kỳ hạn với lãi suất không kỳ hạn tổng cộng hơn 20 tỷ đồng để ngoài sổ sách kế toán để sử dụng, chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.

[Khu kinh tế Nghi Sơn: Chậm tiến độ hàng loạt, tính thừa tiền tỷ]

Trong số các bị cáo, bị cáo Trần Khắc Hiệp bị Viện Kiểm sát xác định đã có hành vi ký 66 Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với MB Thanh Hóa và 13 Văn bản thỏa thuận gửi tiền với OceanBank Thanh Hóa, tổng số tiền gửi ghi trên hợp đồng là 1.600 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh là 19,2 tỷ đồng, để ngoài hệ thống sổ sách, kế toán để sử dụng, chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.

Trước khi khởi tố vụ án, Trần Khắc Hiệp đã nộp 7,4 tỷ đồng vào tài khoản của PVN để khắc phục một phần hậu quả.

Viện Kiểm sát xác định bị cáo Lê Xuân Hoàng đã có hành vi bàn bạc, thống nhất với Trần Khắc Hiệp sử dụng 1.550 tỷ đồng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn thanh toán và 50 tỷ đồng do PVN cấp để gửi có kỳ hạn tại MB Thanh Hóa và OceanBank Thanh Hóa lấy tổng số tiền lãi là hơn 19,2 tỷ đồng để sử dụng chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.

Đối với Nguyễn Mạnh Tấn, Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Tấn là người có nhiệm vụ theo dõi kế toán các khoản lãi phát sinh đã không thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao mà thực hiện theo sự chỉ đạo của Trần Khắc Hiệp và Lê Xuân Hoàng, đã nhận tổng số tiền lãi 6 tỷ đồng, không hạch toán, để ngoài hệ thống sổ sách để chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.

Đối với bị can Tôn Anh Thi (nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn), cơ quan tố tụng xác định có đủ căn cứ kết luận bị can phạm tội “Lập quỹ trái phép.”

Tuy nhiên, do bị can Thi đã trích một phần tiền lãi thu được này để sử dụng vào các hoạt động xã hội của Ban Quản lý dự án. Mặt khác, toàn bộ số tiền lãi phát sinh từ 15 Hợp đồng gửi tiền do Tôn Anh Thi ký là hơn 1,1 tỷ đồng đã được bị can chủ động nộp khắc phục toàn bộ vào tài khoản của PVN trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án; PVN có văn bản đề nghị giảm trách nhiệm hình sự cho Tôn An Thi; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị xem xét áp dụng chính sách hình sự đối với bị can Tôn Anh Thi…

Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can Tôn Anh Thi. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục