Xét xử vụ án buôn lậu gỗ trắc sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung

Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 4 sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại Công ty Ngọc Hưng.
Xét xử vụ án buôn lậu gỗ trắc sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung ảnh 1Tang vật một vụ buôn lậu gỗ trắc. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 14/8, Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ tư sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại Công ty Ngọc Hưng.

Liên quan đến vụ án này, có 5 bị can bị truy tố về các tội danh "Buôn lậu" và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, ngày 17/12/2011, bị can Trương Huy Liệu (sinh ngày 12/12/1958, trú số 111, khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng, đã chỉ đạo các cá nhân trong Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ, tài liệu, sử dụng bộ hồ sơ này để nhập khẩu lậu gỗ từ Lào về Việt Nam.

Ngày 18/12/2011, Trương Huy Liệu chỉ đạo các cá nhân trong Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ, tài liệu, sử dụng bộ hồ sơ này để xuất khẩu lậu gỗ từ Việt Nam đi Trung Quốc với khối lượng 614,672 m3 gỗ, trị giá hơn 63 tỷ đồng.

Bị can Trần Thị Dung (sinh ngày 1/12/1961, trú 111, khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Giám đốc Công ty Ngọc Hưng, vợ của Trương Huy Liệu, đã có hành vi ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu lậu gỗ, giúp sức cho bị can Trương Huy Liệu thực hiện hành vi buôn lậu. 

Các bị can Đỗ Lý Nhi (sinh ngày 25/10/1972, trú khu phố Trung Chỉ, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) và Lê Xuân Thành (sinh ngày 21/7/1962, trú tại số 364 Lê Duẩn, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), công chức hải quan, Chi cục Hải quan Cảng Cửa Việt, được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu theo tờ khai hải quan số 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011 của Công ty Ngọc Hưng nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định về địa điểm, trình tự, thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất khẩu nên đã đề xuất cho thông quan đối với lô hàng buôn lậu của Công ty Ngọc Hưng.

Bị can Đỗ Danh Thắng (sinh ngày 10/10/1955, trú số 16 Lê Vĩnh Huy, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng, được giao nhiệm vụ tổ chức việc khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng gỗ xuất khẩu có vi phạm của Công ty Ngọc Hưng nhưng đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khám xét theo thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan nên không phát hiện được hành vi buôn lậu của Công ty Ngọc Hưng.

Hành vi của các bị can trên đã gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế là hơn 1,8 tỷ đồng...

[Điều tra làm rõ vụ vận chuyển trái phép gỗ quý cấm khai thác]

Tại phiên khai mạc, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Đặng Văn Mạnh đã thông báo, giải thích cho các bị cáo, người có quyền, nghĩa vụ liên quan cũng như luật sư tham gia bào chữa về quy định pháp luật đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên tham dự phiên tòa.

Đối với một số yêu cầu như triệu tập điều tra viên, giám định viên, đưa thêm một số bút lục...., Hội đồng xét xử đã hội ý và quyết định tiếp tục phiên tòa.

Trong quá trình xét xử, nếu cần thiết trong việc minh bạch tội danh, Hội đồng xét xử sẽ triệu tập những người liên quan.

Do diễn biến vụ án phức tạp, kéo dài, có một số vấn đề không thống nhất giữa các cơ quan chức năng nên vụ việc được các ban chức năng của Quốc hội quan tâm, giám sát.

Phiên khai mạc và bế mạc, tuyên án sẽ được Truyền hình Quốc hội truyền hình trực tiếp.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra đến ngày 22/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục