Sáng 13/1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và đồng phạm được tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) và nhiều bị cáo khác. Trong đó, luật sư cho rằng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không hề biết Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng chuyển giao chủ thể 4194 là trái quy định, nên Nguyễn Xuân Sơn đã chỉ đạo PVN chi tiền tạm ứng cho PVC.
Trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn trong việc chi tiền tạm ứng
Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, quan điểm của Viện Kiểm sát nêu rõ: Trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo biết rõ Hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo Ban Quản lý Dự án tạm ứng cho PVC. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng không thực hiện việc chỉ đạo kiểm tra sử dụng nguồn vốn, để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước.
Để làm rõ luận điểm này, luật sư Lê Đình Ứng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) đã nêu dẫn chứng: Chủ trương xây dựng Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được lập trước khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về PVN, thực chất được lập từ trước năm 2010 (điều này đã được bị cáo Đinh La Thăng xác nhận). Cụ thể, đến ngày 11/6/2010, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 978/TTg - KTN đồng ý về nguyên tắc việc chỉ định thầu 2 dự án, trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Nhưng đến cuối tháng 11/2010, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mới chuyển về PVN. Do đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không thể tham gia bất kỳ quá trình đàm phán, phê duyệt, chỉ định thầu hay thay đổi công nghệ lò hơi trong dự án này.
[Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị Viện kiểm sát đề nghị phạt tù chung thân]
Luật sư cũng cho rằng, Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được Hội đồng thành viên và Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN phân công cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc chuyên trách về Ban Điện) phụ trách, theo dõi, chỉ đạo. Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng chuyển giao chủ thể 4194 cũng do bị cáo Nguyễn Quốc Khánh ký.
Do đó, theo luật sư Lê Đình Ứng, các vấn đề liên quan đến Hợp đồng EPC số 33 không cần thiết phải báo cáo với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn vì bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không phải là người phụ trách trực tiếp.
Ngoài ra, trong Ban chỉ đạo chuyên theo dõi về than và điện của Tập đoàn cũng không có bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Hội đồng thành viên PVN còn có Ban Quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; Ban này cũng có quy chế quản lý tài chính do PVN quy định và đại diện cho PVN trực tiếp quản lý, tổ chức triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Đối với hành vi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chỉ đạo tạm ứng vốn và nhắc nhở Ban Quản lý dự án chuyển tiền cho PVC, luật sư Lê Đình Ứng cho rằng, tại điều 6.2 của Quy chế quản lý và sử dụng quỹ đầu tư phát triển của PVN, sau khi nhận được kế hoạch cấp vốn hàng quý do Ban quản lý dự án trình, chậm nhất sau 7 ngày Tổng Công ty phải cấp vốn cho Ban quản lý dự án để thanh toán cho nhà thầu. Điều 5 của Quy chế còn quy định, Ban quản lý dự án còn có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành và hiệu quả vốn đầu tư cho dự án.
Từ những dẫn chứng trên, luật sư xác định, việc quản lý sử dụng số tiền tạm ứng này hoàn toàn theo Quy chế tài chính của PVN và Ban quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì đã được Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc giao nhiệm vụ và ủy quyền thay mặt chủ đầu tư là PVN quản lý phần vốn này. Bên cạnh đó, luật sư còn cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cố ý làm trái quy định của Nhà nước là chưa thuyết phục. Nếu phải buộc trách nhiệm thì có chăng chỉ là trách nhiệm kiểm tra, xem xét hồ sơ trước khi ký.
Luật sư: Bị cáo Vũ Đức Thuận không chỉ đạo lập hồ sơ khống
Bào chữa cho bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC), luật sư Hoàng Anh Tuấn đã nêu những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: Trước khi bị khởi tố, bị cáo Vũ Đức Thuận đã khai rõ về hành vi nhận tiền tham ô và đã đề nghị gia đình khắc phục hậu quả. Hành vi này cần được xác định là tự thú. Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng bổ sung đối với bị cáo Vũ Đức Thuận tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra” căn cứ vào hoàn cảnh khó khăn của PVC vào thời điểm đó.
Đối với hành vi bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ đạo lập hồ sơ khống để rút tiền; ký phiếu ý kiến để bị cáo Trịnh Xuân Thanh ban hành nghị quyết phê duyệt, hưởng lợi 800 triệu đồng, luật sư thừa nhận có việc bị cáo Thuận chỉ đạo bị cáo Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC) xin các đơn vị có lãi để PVC có tiền đối ngoại, song việc lập hồ sơ khống thì Vũ Đức Thuận không biết. Phiếu ý kiến do bị cáo Thuận ký cũng chưa có hiệu lực, chưa có giá trị pháp lý phê duyệt hồ sơ khi chỉ có 2 trong số 5 phiếu đồng ý.
Về cáo buộc bị cáo Vũ Đức Thuận cùng các bị cáo khác chỉ đạo bị cáo Phạm Tiến Đạt sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.115 tỷ đồng được ứng từ Hợp đồng EPC số 33, gây thiệt hại cho PVN gần 120 tỷ đồng, luật sư cho rằng, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và bản kết luận giám định đã xác định Hợp đồng EPC số 33 chưa có hiệu lực và phải đến ngày 11/10/2011 PVC mới có tư cách tổng thầu. Như vậy, Hợp đồng EPC số 33 không phải là căn cứ pháp lý để PVC thụ hưởng số tiền tạm ứng.
Chiều 13/1, phiên tòa tiếp tục tranh tụng./.