Xét xử sơ thẩm vụ “phá rối an ninh” tại Mường Nhé

Ngày 13/3, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử 8 bị cáo trong vụ gây mất ổn định an ninh trật tự tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.
Ngày 13/3, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 8 bị cáo về tội phá rối an ninh trong vụ tụ tập đông người, gây sức ép với chính quyền, yêu sách đòi thành lập “Vương quốc Mông,” gây mất ổn định về tình hình an ninh trật tự tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2011. Tuy không giữ vai trò chủ mưu, song 8 đối tượng trên đã tham gia vào vụ việc với vai trò đồng phạm tích cực, nên đã bị cơ quan điều tra khởi tố bị can. Căn cứ những tình tiết và chứng cứ trong quá trình điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên kết luận: “Trong thời gian từ ngày 30/4 - 6/5/2011 tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã có hàng nghìn người dân tộc Mông nghe theo kẻ xấu, đến tụ tập dựng lán trại để cầu nguyện, đón vua Mông với mục đích thành lập Vương quốc Mông. Qua điều tra, thấy đây là tổ chức do Vàng A Ía câu kết với Thào A Lù cầm đầu, đã tuyên truyền kêu gọi mọi người dân tộc Mông phải đoàn kết, sẽ có vua Mông trong thời gian tháng 5/2011, nên nhiều người bán hết tài sản đi tập trung cầu nguyện, góp tiền cho tổ chức, mục đích tập trung đông người gây sức ép với chính quyền nhân dân, đòi yêu sách cấp đất riêng để thành lập Vương quốc Mông.” Tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình là đã tham gia tổ chức của Vàng A Ía vào thời gian trước ngày đi tập trung tại Huổi Khon, mục đích hoạt động cho tổ chức để thành lập nhà nước riêng của người Mông. Cụ thể, bị cáo Giàng A Sì, sinh năm 1979, trú tại bản Huổi Khon (xã Nậm Kè) tham gia tổ chức từ tháng 1/2011, tuyên truyền lôi kéo 4 hộ tham gia, tổ chức đi chọn địa điểm tập kết và cho các đối tượng cầm đầu dùng nhà mình làm nơi tập kết xăng dầu, lương thực, nhận tiền mua thóc để cất giấu phục vụ cho việc tụ tập. Bị cáo Vàng Seo Phừ, sinh năm 1978 trú tại thôn Phìng Giàng, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà- tỉnh Lào Cai, là em trai của đối tượng cầm đầu Vàng A Ía) tham gia tổ chức lập Vương quốc Mông từ tháng 2/2011 đã nghe theo Ía bán hết tài sản, đóng góp tiền cho tổ chức mua đồ dùng phục vụ việc tụ tập, tham gia các cuộc họp bàn và phụ trách một nhóm bốc thuốc khám bệnh cho những người tụ tập. Bị cáo Mùa A Thắng sinh năm 1980, trú tại xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) tham gia các cuộc họp bàn cách thức thành lập Vương quốc Mông, tham gia tích cực quản lý danh sách người vi phạm pháp luật, ký giấy ra vào, đôn đốc canh giác chốt ngăn cản hoạt động của các đoàn cán bộ. Bị cáo Thào A Khay sinh năm 1986, trú tại xã Nà Bủng (huyện Mường Nhé) tham gia đi đón các hộ từ Đắk Lắk ra Mường Nhé chờ ngày tập trung, trực tiếp lôi kéo 6 hộ tại bản mình cư trú tham gia tụ tập. Bị cáo Chang A Dơ, sinh năm 1979, trú tại bản Can Hồ, xã Khun Há (huyện Tam Đường, Lai Châu) được hứa hẹn cho làm “Phó Bộ trưởng Quốc phòng” của Vương quốc Mông; Dơ đã bán hết tài sản, đưa gia đình vào bản Huổi Khon tụ tập, được giao quản lý chốt canh giác giám sát, cản trở các đoàn cán bộ làm nhiệm vụ. Bị cáo Thào A Lâu, sinh năm 1978, trú tại xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) đã tham gia nhiều cuộc họp, đón tiếp và nhận bố trí nơi ở cho các hộ từ Đắk Lắk ra tụ tập, gác chốt ngăn cản và trực tiếp khám xét cán bộ khi vào làm nhiệm vụ. Bị cáo Cư A Báo, sinh năm 1976, trú tại xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã nghe Ía tuyên truyền, bán hết tài sản đưa gia đình và vận động 8 hộ từ Đắk Lắk ra Huổi Khon tụ tập, tham gia nhiều cuộc họp bàn của tổ chức mục đích xin đất riêng để thành lập Vương quốc Mông. Bị cáo Vàng A Giàng, sinh năm 1980 trú tại xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) đã tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc lôi kéo tuyên truyền, vận động người Mông tham gia tụ tập, chỉ đạo bố trí nơi ở cho các hộ trong Đắk Lắk và quản lý theo dõi họ. Trước Hội đồng xét xử, tất cả các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, tỏ ra rất ăn năn hối cải, thừa nhận việc làm sai trái của mình; đồng thời đều công nhận Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ đồng bào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế như cấp phát tấm lợp, hỗ trợ tiền làm nhà, xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế... đến thôn bản mình sinh sống. Điều đáng chú ý là hầu hết các bị cáo trên đều không biết chữ. Khi phạm tội, các bị cáo trên đều không biết hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội. Tại phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố đã rút một phần cáo trạng do các bị cáo trên không giữ vai trò chủ mưu mà chỉ tham gia với vai trò đồng phạm tích cực. Căn cứ vào kết luận điều tra, kết quả thẩm vấn tại phiên tòa và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của vụ án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên phạt hai bị cáo Giàng A Sì và Vàng A Giàng, mỗi bị cáo 30 tháng tù giam. 6 bị cáo khác là Mùa A Thắng, Thào A Khay, Chang A Dơ, Thào A Lâu, Cư A Báo và Giàng Seo Phừ, mỗi bị cáo chịu mức án 24 tháng tù giam kể từ ngày bị tạm giữ. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, các bị cáo trên còn bị quản chế 24 tháng. Một số hình ảnh tại phiên tòa
Xét xử sơ thẩm vụ “phá rối an ninh” tại Mường Nhé ảnh 1
Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm
Xét xử sơ thẩm vụ “phá rối an ninh” tại Mường Nhé ảnh 2
8 bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án

Xét xử sơ thẩm vụ “phá rối an ninh” tại Mường Nhé ảnh 3
Những giọt nước mắt hối hận của bị cáo Cư A Báo.
Chu Quốc Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục