Xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (sinh năm 1981) được xác định là chủ mưu, cùng 23 bị cáo khác tham gia đường dây buôn lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ.
Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TXVN)

Ngày 16/7, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu vàng với quy mô lớn xảy ra tại tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 ngày, do thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ tọa.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (sinh năm 1981, quê Bình Định, ngụ quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) được xác định là chủ mưu cùng 23 bị cáo khác bị truy tố về tội "Buôn lậu" theo khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự.

Liên quan vụ án, nhiều chủ tiệm vàng tiêu thụ vàng lậu đã trở thành can phạm, riêng Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng ở Hà Nội và Hát Giang ở Thành phố Hồ Chí Minh) đã bỏ trốn, đang bị Bộ Công an truy nã.

Để chuẩn bị cho phiên tòa, Hội đồng xét xử triệu tập 41 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, hơn 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, vụ án bắt đầu được phanh phui từ ngày 28/9/2022.

Hội đồng xét xử. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Sau thời gian theo dõi, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công an đã bắt quả tang 4 đối tượng thực hiện giao nhận 63 thỏi vàng với trọng lượng 63kg tại đường Hồng Lạc, phường 14, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công an phát hiện 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia vào Việt Nam quy mô lớn.

Hồ sơ vụ án thể hiện Nguyễn Thị Minh Phụng từng có thời gian kinh doanh vàng tự do, thu đổi ngoại tệ quen biết nhiều người trong lĩnh vực kim hoàn ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và Camphuchia.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Kim Phượng làm kinh doanh tự do tại tỉnh Tây Ninh và Nguyễn Thị Thúy Hằng là chủ cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Theo quy định hiện hành, vàng nguyên liệu do Nhà nước xuất khẩu, nhập khẩu để sản xuất vàng miếng, các bị cáo trên không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (thỏi) từ Campuchia về Việt Nam để bán.

Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, các bị cáo thấy giá vàng trên thị trường Việt Nam cao hơn giá vàng bên Campuchia nên đã thỏa thuận, thống nhất thiết lập, điều hành đường dây nhận mua bán vàng thỏi nhập lậu từ Camphuchia về Việt Nam cho các chủ cửa hàng vàng trong nước thông qua cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh, với nhiều đối tượng tham gia, có sự phân công từng công đoạn, được tổ chức chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ.

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Nguyễn Thị Minh Phụng là người tiếp nhận nhu cầu của khách hàng mua trong nước, sau đó, liên hệ các đối tượng tại Camphuchia để đặt số lượng mua. Phụng thỏa thuận, thống nhất để bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Giàu (chị gái của Nguyễn Thị Kim Phượng), là cư dân biên giới, sinh sống tại cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh tổ chức vận chuyển tiền thanh toán mua vàng lậu từ Tây Ninh sang Camphuchia và vận chuyển vàng từ bên đó về Tây Ninh giao cho nhóm người của Phụng. Các bị cáo thiết lập thành hai đường dây buôn lậu vàng.

Đường dây thứ nhất, trong khoảng thời gian từ ngày 3/8/2022 đến ngày 28/9/2022, Nguyễn Thị Minh Phụng nhận đặt bán vàng lậu cho Huỳnh Minh Khánh, Nguyễn Thị Minh, Đặng Thị Thanh Hằng và một số bị cáo khác.

Sau đó, Phụng đặt mua vàng lậu của đối tượng người Campuchia, rồi thống nhất, thỏa thuận với Nguyễn Thị Ngọc Giàu nhận vàng từ Campuchia mang qua cửa khẩu Chàng Riệc để giao cho Nguyễn Quí Trường, Ngô Đình Đạt, Nguyễn Phạm Thanh Nhựt, nhóm này tiếp tục chuyển trả tiền (đôla Mỹ) cho Giàu và nhận vàng từ Giàu về giao cho Phụng.

Phụng tiếp tục chỉ đạo 9 bị cáo gồm Nguyễn Trân Châu Phát, Châu Phúc Thiên, Bùi Thanh Phong, Huỳnh Thanh Nhất Hiếu, Trần Văn Thảo, Trần Thanh Tú, Văn Chí Hùng, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thị Loan bán vàng lậu cho 5 bị cáo gồm Huỳnh Minh Khánh, Nguyễn Thị Minh, Đặng Thị Thanh Hằng, Nguyễn Duy Đức, Đặng Nam Trung và bán lẻ cho một số khách hàng khác.

Trong đường dây buôn lậu trên, Nguyễn Thị Ngọc Giàu chỉ đạo, điều hành 3 bị can gồm Trần Thanh Thắng, Nguyễn Minh Tâm, Phan Thanh Tùng nhận tiền từ Phụng, đem tiền (đô la Mỹ) chuyển sang Campuchia để mua vàng mang về Việt Nam, qua cửa khẩu Chàng Riệc giao vàng cho Phụng.

Trong khoảng thời gian trên, 22 bị cáo trong đường dây này mua bán tổng số 4.830 kg, trị giá hơn 6.644,8 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 17,667 tỷ đồng, trong đó, Phụng hưởng hơn 2,415 tỷ đồng, Giàu hưởng hơn 13,821 tỷ đồng, các bị can còn lại hưởng tiền từ Phụng và Giàu tùy theo công sức khi tham gia mua bán vàng.

Trong sổ sách ghi chép lại của nhóm bị can Nguyễn Thị Minh Phụng, có một số khách hàng mua vàng lậu của Phụng, được thể hiện bằng các ký hiệu.

Luật sư bào chữa đại diện cho các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Khi xác minh được một số danh tính, cơ quan điều tra cho rằng những khách hàng này không biết vàng mua là vàng lậu nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Ngoài ra, có 45 tiệm vàng mua vàng lậu của nhóm Nguyễn Thị Thúy Hằng nhưng không xác định được số lượng nên cũng không có cơ sở xử lý 45 tiệm vàng này.

Cũng bằng phương thức, thủ đoạn tương tự Phụng, trong vụ án này, có thêm đường dây thứ 2, do Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) cầm đầu, móc nối với Giàu và lôi kéo 5 người khác tham gia.

Từ ngày 16/7/2022 đến 28/9/2022, Nguyễn Thị Kim Phượng nhận đặt bán vàng lậu cho Nguyễn Thị Thúy Hằng, sau đó Phượng góp vốn với đối tượng người Campuchia có tên là Pich Hen mua vàng lậu từ Campuchia, rồi thông qua Nguyễn Thị Ngọc Giàu và Trần Thanh Thắng mang vàng lậu qua cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh giao cho Nguyễn Minh Tâm để Tâm giao Nguyễn Thị Thúy Hằng thông qua Nguyễn Tấn Hòa.

Tâm tiếp tục nhận tiền bán vàng từ Nguyễn Tấn Hòa để giao cho Nguyễn Thị Kim Phượng thông qua Nguyễn Thị Ngọc Giàu.

Sau khi mua vàng lậu, Nguyễn Thị Thúy Hằng đã bán lại cho Huỳnh Minh Khánh và một số khách hàng khác.

Trong khoảng thời gian trên, 7 bị cáo trong đường dây thứ hai (trong đó có 4 bị can là Giàu, Thắng, Tâm và Khánh tham gia cả 2 đường dây) đã mua bán tổng số 1.320 kg vàng, trị giá 1.817,184 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 6,886 tỷ đồng. Trong đó, Phượng được hưởng 132.000 USD tương đương gần 3,1 tỷ đồng, Hằng được hưởng hơn 3,718 tỷ đồng, các bị cáo còn lại hưởng tiền từ Phượng, Giàu và Hằng tùy mức độ khi tham gia mua bán vàng lậu.

Hành vi của các bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng, Nguyễn Thị Kim Phượng và đồng phạm đã vi phạm Điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ, quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Điều 3 Thông tư số 11/2014/TT-NHNN ngày 28/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy định việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh.

Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án này là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vàng, đã phạm tội Buôn lậu, quy định tại Khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cũng theo cáo trạng, trong vụ án này Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng) là cá nhân đã tiêu thụ số lượng vàng lậu lớn trong đường dây của Phụng. Đặng Thị Thanh Hằng có 2 địa chỉ kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Tiệm vàng Phúc Hằng không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu nhưng bị cáo Hằng cùng đồng phạm đã mua 294kg vàng của Phụng với tổng trị giá hơn 399 tỷ đồng. Một phần trong số này được vận chuyển ra Hà Nội bằng đường hàng không.

Ngày 26/9/2022, Đặng Thị Thanh Hằng đã xuất cảnh khỏi Việt Nam. Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công an đã tách vụ án hình sự đối với bị can này để tiếp tục xử lý khi bắt được Hằng.

Trước đó, quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã kê biên hàng loạt bất động sản của Hằng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phong tỏa số tiền 430 triệu đồng trong tài khoản và ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng nhiều bất động sản khác.

Cáo trạng xác định, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng là chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo, điều hành, cầm đầu đường dây thứ nhất, buôn lậu vàng từ Campuchia qua cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh về Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương để bán lại kiếm lời nên phải chịu trách nhiệm chính trong tổ chức buôn lậu.

Hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Minh Phụng đã phạm vào Khoản 4, Điều 188 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Giàu tham gia mua bán vàng lậu cả hai đường dây của Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng.

Với vai trò giúp sức tích cực cho Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng, Giàu đã tổ chức, chỉ đạo, phân công vận chuyển vàng lậu từ Campuchia qua cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh về Thành phố Hồ Chí Minh.

Hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Ngọc Giàu đã phạm vào Khoản 4, Điều 188 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Từ các cáo buộc trên, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị truy tố Nguyễn Thị Minh Phụng, Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Nguyễn Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Huỳnh Minh Khánh về tội "Buôn lậu," quy định tại điểm a, b Khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự; truy tố Trần Thanh Thắng, Nguyễn Minh Tâm, Phan Thanh Tùng, Nguyễn Quí Trường, Ngô Đình Đạt, Nguyễn Phạm Thanh Nhựt, Nguyễn Trần Châu Phát, Châu Phúc Thiên, Bùi Thanh Phong, Huỳnh Thanh Nhất Hiếu, Trần Văn Thảo, Trần Thanh Tú, Văn Chí Hùng, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Tấn Hòa, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Duy Đức, Đặng Nam Trung về tội "Buôn lậu," quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục