Xét xử phúc thẩm vụ Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Các bị cáo nói lời sau cùng

Bị cáo Mai Tuấn Anh - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - mong Tòa phúc thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ để cho bị cáo được hưởng án treo.

Quang cảnh một phiên xét xử vụ án xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi giai đoạn 2. (Nguồn: TTXVN)
Quang cảnh một phiên xét xử vụ án xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi giai đoạn 2. (Nguồn: TTXVN)

Cuối giờ chiều 26/6, phiên tòa xét xử phúc thẩm 10 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (giai đoạn 2) đã kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được Hội đồng xét xử cho nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án.

Nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Mai Tuấn Anh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) cho biết sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, bị cáo nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong vụ án.

Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi triển khai còn tồn tại vấn đề về chất lượng.

“Mặc dù bị cáo rất tâm huyết về dự án nhưng đã để lại tồn tại không mong muốn," nguyên Tổng Giám đốc VEC nói.

Do đó, bị cáo Mai Tuấn Anh mong Tòa phúc thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ để cho bị cáo được hưởng án treo. Đồng thời, bị cáo kính mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác, đặc biệt là các kỹ sư, tư vấn giám sát, đây là những người đã gắn bó với bị cáo trong nhiều năm qua trên công trường.

Trước đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Mai Tuấn Anh 42 tháng tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

Nói lời sau cùng, các bị cáo còn lại cũng đều thể hiện sự ăn năn hối hận và mong Hội đồng xét xử xem xét mở lượng khoan hồng để cho các bị cáo sớm được trở về với gia đình, xã hội, làm lại cuộc đời.

Trước đó, các bị cáo, gồm: Trần Mạnh Hùng (nguyên Kỹ sư vật liệu Gói thầu A4 – A5 dự án); Nguyễn Văn Thuật (nguyên Giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công Gói thầu A1); Nguyễn Thiên Nam (nguyên Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công Gói thầu A1); Đỗ Quốc Vượng (nguyên Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công Gói thầu A4); Đỗ Văn Thiết (nguyên Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công Gói thầu A4); Nguyễn Anh Sơn (nguyên Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công Gói thầu A5); Đoàn Ngọc Hùng (nguyên Kỹ sư vật liệu Gói thầu A1-A2-A3); Nguyễn Tiến Công (nguyên Kỹ sư vật liệu Gói thầu A2-A3); Nguyễn Thọ Minh (nguyên Kỹ sư vật liệu Gói thầu A4-A5) có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt hoặc xin hưởng án treo.

Về phần dân sự, 5 nhà thầu kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại liên quan đến vụ án. Trước đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên buộc 5 nhà thầu phải bồi thường cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam với tổng số tiền 460 tỷ đồng, tương ứng giá trị các gói thầu không đạt chất lượng.

Trong số đó, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) bồi thường cho gói A1 giá trị 47,5 tỷ đồng; Tập đoàn công trình giao thông tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) bồi thường gói A2 giá trị 129 tỷ đồng; Tập đoàn xây dựng tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) bồi thường gói A3 trị giá 85 tỷ đồng; Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) bồi thường gói A4 trị giá 127 tỷ đồng và Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc) bồi thường gói A4 trị giá 71 tỷ đồng. Tòa sơ thẩm ghi nhận nhà thầu CC1 không yêu cầu các bị cáo bồi hoàn. Sau đó, 5 nhà thầu kháng cáo do không đồng ý với phần trách nhiệm phải bồi thường.

Tại phần nêu quan điểm, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đánh giá thực tế dự án không đảm bảo chất lượng, chủ đầu tư và các đơn vị tham gia nghiệm thu, thanh toán hơn 460 tỷ đồng cho các đơn vị thi công là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của các nhà thầu.

Trong phần tranh luận, luật sư Đỗ Mạnh Trường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) tham gia bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nhà thầu Lotte E&C (Hàn Quốc) cho rằng thực tế, đoạn tuyến giai đoạn 2 chưa bị hư hỏng, vẫn đang được VEC khai thác sử dụng thu phí sử dụng hàng nghìn tỷ đồng/năm. Do đó, chưa phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà thầu Lotte.

Luật sư Trường cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thuộc về nhà thầu là không phù hợp.

Theo bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên buộc Tập đoàn Sơn Đông phải bồi thường cho VEC hơn 129 tỷ đồng và buộc Tập đoàn Giang Tô phải bồi thường cho VEC số tiền hơn 85 tỷ đồng.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, xem xét trong trường hợp vụ án này, các nhà thầu có thi công thật, công trình có giá trị thật, chủ đầu tư đã nghiệm thu, nhận bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng hơn 5 năm và thu phí từ hơn 3 năm, mà không có bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào xảy ra liên quan đến chất lượng công trình…

Luật sư Nghĩa nhận thấy giá trị thiệt hại phải bồi thường mà tòa án cấp sơ thẩm đưa ra không phải là thiệt hại thực tế trong trường hợp vụ án này. Theo phân tích của luật sư, chủ đầu tư không nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, cũng như các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và cũng không yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh giá trị thiệt hại phải bồi thường.

Luật sư Nghĩa cho rằng: “việc yêu cầu các nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại, kể cả phần thiệt hại do chính chủ đầu tư gây ra là hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật cũng như thông lệ quốc tế."

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư tương ứng với phần lỗi của họ gây ra cũng như trách nhiệm liên đới bồi thường của Tư vấn giám sát đối với thiệt hại của vụ án để đảm báo tính công bằng cho các nhà thầu thi công.

Trong phần nêu quan điểm giải quyết vụ án trước đó, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo của các nhà thầu.

Do tính chất phức tạp của vụ án nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định nghị án kéo dài, tiến hành tuyên án vào 9 giờ sáng mai (27/6)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục