Xét xử Phạm Công Danh: Tòa đề nghị luật sư đi vào trọng tâm vấn đề

Phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2 trở nên “nóng” khi các luật sư tham gia bào chữa bị Hội đồng xét xử nhắc nhở.
Xét xử Phạm Công Danh: Tòa đề nghị luật sư đi vào trọng tâm vấn đề ảnh 1Bị cáo Trầm Bê tỏ vẻ mệt mỏi, trong các ngày xét xử trước đó, Hội đồng xét xử đã nhiều lần cho phép được chăm sóc y tế. ( Ảnh: CTV)

Ngày 17/1, phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng​-VNCB) và đồng phạm giai đoạn 2 trở nên “nóng” khi các luật sư tham gia bào chữa bị Hội đồng xét xử nhắc nhở. Cùng với đó là vấn đề sức khỏe của bị cáo Trầm Bê, mắt xích quan trọng trong đại án kinh tế này. 

Luật sư bào chữa lan man

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhấn mạnh, trong quá trình xét hỏi đã có nhiều luật sư đặt các câu hỏi ngoài phạm vi vụ án, không đi vào trọng tâm vấn đề, thậm chí có những câu hỏi vi phạm giới hạn xét xử được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã yêu cầu các luật sư hợp tác để phiên tòa diễn ra văn minh cũng như đảm bảo quyền và nghĩa vụ bào chữa của luật sư.

Trước đó, trong quá trình xét hỏi chiều 16/1, một số luật sư đã bị Hội đồng xét xử nhắc nhở vì đặt nhiều câu hỏi với các bị cáo không liên quan đến hành vi mà Hội đồng xét xử đang làm rõ.

[Xét xử Phạm Công Danh: Tòa từ chối luật sư bảo vệ ông Trần Bắc Hà]

Ngày 17/1, phiên tòa tiếp tục với nội dung thẩm vấn hành vi của các bị cáo trong gói vay tín dụng tại TPBank, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.700 tỷ đồng. Theo cáo trạng, tháng 5/2013, để giúp Phạm Công Danh “kiếm tiền” tăng vốn điều lệ và trả cho cá nhân bà Hứa Thị Phấn, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đã trao đổi và thống nhất với bị cáo Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Quỹ Lộc Việt) dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty để vay tiền Ngân hàng TPBank, sau đó dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

Bị cáo Phạm Công Danh khai, khi được TPBank giải ngân toàn bộ tiền vay, bản thân đã sử dụng chuyển trả hơn 600 tỷ đồng cho bà Hứa Thị Phấn và dùng 500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB. Số tiền gần 400 tỷ đồng khác được Phạm Công Danh chi lãi ngoài vượt trần cho nhóm cá nhân bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát)...

Xét xử Phạm Công Danh: Tòa đề nghị luật sư đi vào trọng tâm vấn đề ảnh 2Cảnh sát áp giải bị cáo Trầm Bê vào phòng xét xử. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Sức khỏe bị cáo Trầm Bê có vấn đề?

Theo ghi nhận của phóng viên tại phiên tòa ngày 17/1, bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank) tỏ vẻ mệt mỏi. Trong các ngày xét xử trước đó, Hội đồng xét xử đã nhiều lần cho phép bị cáo Trầm Bê được chăm sóc y tế.

Trước đó khai tại tòa, bị cáo Trầm Bê nhận trách nhiệm khi chỉ xem xét về điều kiện Phạm Công Danh có tài sản đảm bảo để cho vay tiền.

Tuy nhiên, Trầm Bê cho rằng hành vi này không trái quy định vì bị cáo chỉ coi Phạm Công Danh là đại diện cho một pháp nhân tập thể, không thể xem việc có quen biết và bàn bạc với Phạm Công Danh là có tư lợi để cáo buộc bản thân phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Trầm Bê cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh này.

Trong khi đó, bản cáo trạng xác định, bị cáo Trầm Bê thừa nhận đã bàn bạc, trao đổi với Phạm Công Danh và Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank). Theo đó, vào giữa tháng 4/2013, Phạm Công Danh sang Sacombank gặp Trầm Bê và đặt vấn đề vay từ 1.000-2.000 tỷ đồng. Trầm Bê đồng ý cho Danh vay với điều kiện phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.

Sau đó, Phan Huy Khang báo cáo Trầm Bê là đã bàn bạc cho Danh vay 1.800 tỷ đồng và dùng tiền gửi từ VNCB để làm tài sản đảm bảo. Lý do cho Danh vay 1.800 tỷ đồng vì Trầm Bê với chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng chỉ được phép duyệt tối đa là 1.800 tỷ đồng.

Nếu cho vay số tiền lớn hơn, Trầm Bê phải trình lên Hội đồng quản trị quyết định sẽ mất thời gian, khi trình lên có thể có nhiều ý kiến khác nhau vì khoản vay lớn. Sau đó, Trầm Bê giao Phan Huy Khang tổ chức thực hiện.

Cũng theo cáo trạng, khi cấp dưới trình hồ sơ các khoản vay của 6 công ty, mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ nhưng Trầm Bê vẫn phê duyệt do có tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB. 

Chiều 17/1, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục