Sau phần luận tội và đề nghị mức án của Viện Kiểm sát đối với từng bị cáo, chiều 9/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm diễn ra với những tranh cãi gay gắt về hành vi lừa đảo trong các hợp đồng góp vốn mà Housing Group đã ký với khách hàng.
Mở đầu phần bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng bản cáo trạng truy tố bị cáo Châu Thị Thu Nga với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không khách quan, thiếu thuyết phục. Bởi theo luật sư, trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” pháp luật quy định bắt buộc phải có hai yếu tố cấu thành: Hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt.
Trong vụ án này, bị cáo Nga không có hành vi gian dối vì Dự án B5 Cầu Diễn là có thật, việc làm của Housing Group là có thật.
Về ba loại hợp đồng mà Housing Group đã ký với khách hàng gồm thỏa thuận vay vốn, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng hợp tác đầu tư. Luật sư cho rằng đây là các hợp đồng dân sự nhưng cơ quan điều tra đã đưa vào để hình sự hóa quan hệ dân sự. Thêm vào đó, hiện có 442 khách hàng có đơn xin được tiếp tục thực hiện dự án, đồng hành cùng Housing Group để khắc phục khó khăn và để khách hàng có nhà ở.
Đồng quan điểm với luật sư Hoàng Văn Hướng, nhiều luật sư đã bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhằm làm rõ thêm hành vi của các bị cáo trong vụ án.
[Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt Châu Thị Thu Nga mức án tù chung thân]
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Tình (nguyên Giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản Housing Group), luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng một mình bị cáo Châu Thị Thu Nga không thể nhận được 377 tỷ đồng của các khách hàng là những người bị hại trong vụ án này nếu như không có sự tham gia của chín bị cáo còn lại. Các bị cáo này đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định đóng vai trò đồng phạm, giúp sức bị cáo Châu Thị Thu Nga thực hiện hành vi phạm tội.
Theo luật sư Đỗ Ngọc Quang, chín bị cáo này đều là những người làm công ăn lương, toàn bộ số tiền 377 tỷ đồng họ không được chia, hưởng lợi gì. Họ đều tin rằng Dự án B5 là có thật và họ không lừa dối ai. Ngay chính vợ chồng bị cáo Đinh Phúc Tiếu còn bỏ ra 1,5 tỷ đồng để đăng ký mua hai căn hộ trong dự án này. Do đó, chín bị cáo này hầu như không nhận thức được tính nguy hiểm trong hành vi của mình tại Housing Group có liên quan đến dự án B5 Cầu Diễn.
Luật sư Đỗ Ngọc Quang phân tích thêm những người bị hại trong vụ án này trước khi ký hợp đồng đã được nghiên cứu kỹ hồ sơ Dự án B5 Cầu Diễn, đã hiểu rõ bản chất của Dự án, đến xem hiện trường nhồi cọc... nên mới ký hợp đồng với Housing Group. Bản thân các bị hại cũng hiểu rất rõ việc ký hợp đồng vay vốn, hợp đồng đặt cọc thực chất là mua bán căn hộ trong tương lai, là hành vi “lách luật.” Từ quan điểm này, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng các bị hại cũng là những người có lỗi ở chỗ biết tình trạng pháp lý của Dự án B5 Cầu Diễn mà vẫn ký hợp đồng cho vay vốn.
Sau khi luật sư Đỗ Ngọc Quang trình bày quan điểm, thay mặt các bị hại, bà Vũ Thị Phương Lan gay gắt phản đối luận điểm của luật sư Quang khi cho rằng các bị hại đã lách luật. Bà Lan cho rằng các bị hại có nhu cầu mua nhà, Housing Group có nhu cầu huy động vốn để xây nhà và bán nhà. Trên cơ sở đó, hai bên đã ký các hợp đồng và những hợp đồng này không vi phạm pháp luật.
Bà Vũ Thị Phương Lan phân tích: “Nếu nói chúng tôi mặc dù hiểu rõ Dự án B5 chưa đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng vẫn cho Housing Group vay tiền là không đúng. Bởi vì trước khi ký hợp đồng vay vốn, chúng tôi đã được Housing Group cung cấp tài liệu. Bản thân chúng tôi cũng tìm hiểu thông tin được đăng công khai trên trang web của Công ty Housing Group. Hơn nữa, các mô hình chung cư của Dự án được Housing Group trưng bày ngay ở sảnh tầng 1 của Sàn giao dịch bất động sản, ai đến xem cũng được. Vậy chúng tôi cần gì phải lách luật! Thêm vào đó, bà Nga lại là đại biểu Quốc hội, chúng tôi không tin sao được?”
Ngày 10/10, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận./.