Ngày 15/11, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và 5 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín (viết tắt là Ngân hàng Đại Tín).
Trong giai đoạn này, bị cáo Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, nguyên cố vấn cao cấp Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đại Tín, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) bị truy tố vì hành vi chiếm đoạt hơn 1.338 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín.
Cụ thể, các bị cáo Hứa Thị Phấn, Bùi Thị Kim Loan (sinh năm 1978, kế toán Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Kim Dũng (sinh năm 1955, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Địa ốc Lam Giang), Huỳnh Thị Xuân Dung (sinh năm 1959, nguyên Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (sinh năm 1983, nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín Chi nhánh Sài Gòn), Phạm Hồng Hảo (sinh năm 1978, nguyên nhân viên Ngân hàng Đại Tín) bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong giai đoạn 1 của vụ án này, bị cáo Lâm Kim Dũng đã bị tuyên phạt 6 năm tù (đang thi hành án), bị cáo Hứa Thị Kim Loan bị tuyên án 28 năm tù, Lâm Hứa Quỳnh Trinh bị tuyên án 2 năm tù treo.
[Giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng Đại Tín: Tiếp tục truy tố Hứa Thị Phấn]
Bị cáo Hứa Thị Phấn bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù trong vụ án tại Ngân hàng Oceanbank; bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 30 năm tù trong giai đoạn 1 của vụ án Ngân hàng Đại Tín; hiện vẫn đang tại ngoại vì lý do sức khỏe.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt như những lần xét xử trước. Bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn có luật sư Phạm Ngọc Trung và Lại Huy Tùng.
Tòa cũng triệu tập nhiều bị án của các giai đoạn trước của vụ án như Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam..., Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam tham dự với tư cách là nguyên đơn dân sự. Ngân hàng Nhà nước tham dự với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, là cổ đông lớn của ngân hàng, Hứa Thị Phấn đã thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ Hội đồng Quản trị, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín, chỉ đạo Bùi Văn Lắm (Chủ tịch Ban Chấp hành Công đoàn Ngân hàng Đại Tín), chỉ đạo Nguyễn Kim Thanh (Phó trưởng Phòng Đầu tư kiêm thành viên Hội đồng đầu tư Ngân hàng Đại Tín) làm các thủ tục để ngân hàng đầu tư trực tiếp 1.037 tỷ đồng vào 4 dự án bất động sản do 3 công ty của bà Phấn làm chủ đầu tư gồm Công ty cổ phần Phú Mỹ, Công ty cổ phần địa ốc Lam Giang và Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ.
Thế nhưng, số tiền này Hứa Thị Phấn không sử dụng để đầu tư vào dự án như hợp đồng hợp tác mà rút tiền mặt để chiếm đoạt cá nhân và đến nay chối bỏ toàn bộ trách nhiệm thanh toán trả lại cho Ngân hàng Đại Tín.
Sau khi bà Lý Kim Chi (Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ) mua lại 90% phần vốn góp vào Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ từ Hứa Thị Phấn, bà Chi đã thanh lý hợp đồng hợp tác và hoàn trả đủ cho Ngân hàng Đại Tín toàn bộ gốc cùng lợi nhuận khoản tiền hơn 136 tỷ đồng mà ngân hàng đã đầu tư vào Dự án Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B bị Hứa Thị Phấn chiếm đoạt.
Vì vậy, thiệt hại thực tế cho Ngân hàng Đại Tín là hơn 901 tỷ đồng. Đến nay, cả 3 dự án còn lại đều không được triển khai, đã bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt đầu tư do chủ đầu tư không thực hiện dự án.
Ngoài hành vi trên, Hứa Thị Phấn còn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc mua và nâng khống giá trị 4 bất động sản: Số 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1; số 422B Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3; số 409 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10 (đều ở Thành phố Hồ Chí Minh) và số 30 Quang Trung (phường Vạn Thắng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Sau đó, Hứa Thị Phấn chỉ đạo Hội đồng Quản trị và Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua 4 bất động sản này với lý do là mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản, với tổng giá trị trên 661 tỷ đồng; trong khi Ngân hàng Đại Tín đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, dẫn đến 4 bất động sản này đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.
Cáo trạng xác định, trong hành vi này Hứa Thị Phấn đã chiếm đoạt hơn 437 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín.
Trước đó, trong giai đoạn 1 của vụ án, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 30 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”; 27 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm tù treo đến 28 năm tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2/11/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bác kháng cáo của Hứa Thị Phấn, tuyên y án sơ thẩm.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, Ngân hàng Đại Tín được xác định bị thiệt hại hơn 6.300 tỷ đồng.
Theo chương trình, phiên tòa xét xử liên tục đến ngày 25/11./.