Sau 5 năm triển khai, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (ngày 29/9/2014) của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.
“Cách làm máy móc”
Theo ông Phùng Huy Cẩn-Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), qua hai đợt xét tặng danh hiệu từ khi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, Chủ tịch nước đã truy tặng và phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân cho 186 cá nhân, danh hiệu nghệ sỹ ưu tú cho 686 cá nhân. Điều đó thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp của các nghệ sỹ.
[‘Ông bố quốc dân’ của ‘Về nhà đi con’ trở thành Nghệ sỹ Nhân dân]
Tuy nhiên, các quy định tại nghị định này còn bộc lộ nhiều bất cập. Điều này có thể thấy rõ qua đợt xét tặng lần thứ chín (năm 2019) vừa qua. Cụ thể, ban đầu, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân được Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước thông qua, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là khi những tên tuổi “gạo cội” ở lĩnh vực cải lương (Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu) không có tên trong danh sách này.
Các nghệ sỹ “trượt” danh hiệu nghệ sỹ nhân dân do không đủ số huy chương theo quy định và không đủ số phiếu bầu của hội đồng.
Theo quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, một trong những tiêu chí để được xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân là có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, đã được tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú và có ít nhất hai giải vàng quốc gia (sau khi được tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú). Ngoài ra, hồ sơ cần được ít nhất 90% tổng số thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng thuận.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, nghệ sỹ nhân dân Lệ Thủy bày tỏ: “Nghệ sỹ Thanh Tuấn, Minh Vương… đã gắn bó với sân khấu cải lương quá nửa đời người. Ở tuổi 70, các nghệ sỹ vẫn say sưa với nghiệp diễn và dày công bồi dưỡng, miệt mài đào tạo thế hệ kế cận. Hơn nữa, họ cũng là một vị giám khảo uy tín tại nhiều hội diễn, cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Nếu họ tham dự các kỳ hội diễn, liên hoan, thử hỏi, ai đủ ‘tầm’ để chấm điểm các anh?”
Sau khi lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phản biện đa chiều của các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa và giới nghệ sỹ, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú (lĩnh vực sân khấu) lần thứ chín đã họp lại và nhất trí thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân của ba nghệ sỹ cải lương (Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu).
Tuy nhiên, câu chuyện thực tế trên vẫn cho thấy những bất cập, vướng mắc hiện nay liên quan đến việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sỹ cho rằng quy định về việc quy đổi số huy chương bạc thành huy chương vàng là không hợp lý.
Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ-Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam bày tỏ: “Tiêu chí về số lượng huy chương và việc quy đổi hai huy chương bạc thành một huy chương vàng như quy định hiện nay là quá máy móc. Điều này sẽ dẫn đến việc một bộ phận nghệ sỹ tìm mọi cách để có được huy chương. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều tác phẩm được dàn dựng chỉ để tham gia các hội diễn, liên hoan, sau đó được ‘cất kho.’ Nghệ sỹ sau khi có huy chương thì không còn biểu diễn nữa.”
Có cùng quan điểm trên, nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoa-Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam nhấn mạnh: “Hai loại huy chương đó phản ánh mức độ, chất lượng, tài năng nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Bởi vậy, việc cộng dồn theo tỷ lệ phần trăm (%) để ‘bù’ cho nhau là điều vô lý.”
Linh hoạt để không “bỏ quên” tài năng
Từ thực tế trên, nhiều nhà quản lý, nghệ sỹ và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cho rằng nội dung nghị định cần có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ông Phùng Huy Cẩn cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát lại các quy định để tiến tới trình sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đảm bảo việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ diễn ra minh bạch, công bằng…
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị bổ sung quy định về tỷ lệ thành viên có mặt tại cuộc họp của hội đồng các cấp (phải đạt ít nhất 90% tổng số thành viên), bỏ quy định xin ý kiến bằng phiếu với các thành viên vắng mặt. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất tỷ lệ phiếu đồng thuận thông qua hồ sơ đạt ít nhất 80% (thay cho quy định về tỷ lệ đồng thuận đạt tối thiểu 90% như hiện nay).
Đồng tình với đề xuất trên, nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ cho rằng tỷ lệ đồng thuận của hội đồng các cấp ở mức 75-80% là hợp lý. “Việc đánh giá, thẩm định nghệ thuật rất khó đạt được sự đồng thuận tuyệt đối. Theo từng lĩnh vực, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước bao gồm từ 15-17 thành viên. Theo quy định hiện hành, chỉ cần một đến hai thành viên không bỏ phiếu đồng thuận thì hồ sơ sẽ không được thông qua. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới việc tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các nghệ sỹ,” ông Thọ bày tỏ.
Ở góc độ khác, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Ngọc Cường cho rằng khoảng cách 5 năm giữa hai đợt xét tặng danh hiệu nghệ sỹ là quá dài. Hơn nữa, quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên (với hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú) và từ 20 năm trở lên (với hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân) cũng không phù hợp với thực tế.
“Nghệ sỹ biểu diễn ở nhiều lĩnh vực (xiếc, múa…) có ‘tuổi nghề’ khá ngắn. Với quy định về thời gian như hiện nay, các nghệ sỹ sẽ rất thiệt thòi. Hơn nữa, còn rất nhiều trường hợp ‘tài năng không đợi tuổi.’ Nhiều nghệ sỹ trẻ đã đạt đủ số huy chương, được đồng nghiệp, giới chuyên môn đánh giá cao và khán giả yêu mến nhưng cũng không được xét tặng danh hiệu vì chưa đủ thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp như quy định,” ông Cường chỉ rõ.
Từ đó, ông Nguyễn Ngọc Cường kiến nghị rút ngắn khoảng cách giữa hai đợt xét tặng danh hiệu xuống còn 3 năm. Ngoài ra, việc xem xét thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cần linh hoạt, phù hợp với đặc thù của các lĩnh vực để tránh tình trạng “bỏ quên” nghệ sỹ tài năng./.