Xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia nơi Bác Hồ ở và làm việc năm 1945

Với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Bác Hồ lưu lại đây, ngôi nhà được công nhận là Nhà lưu niệm Bác Hồ và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996.
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An - nơi Bác Hồ ở và làm việc năm 1945 được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhà cụ Nguyễn Thị An, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) - địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc (từ ngày 23 đến ngày 25/8/1945), vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia.

Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An là nơi dừng chân nghỉ lại đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23/8/1945 để ra mắt quốc dân đồng bào, đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An, Bác Hồ đã làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh…

Cụ Nguyễn Thị An là vợ cụ Chánh tổng Công Ngọc Lâm (thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là một cơ sở cách mạng tin cậy nằm trong An toàn khu của Trung ương Đảng suốt giai đoạn 1941-1945. Người dân nơi đây đã nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng…

Trong giai đoạn này, An toàn khu Phú Gia, Phú Xá không xảy ra vụ việc nào làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng, không cán bộ nào bị địch bắt ở địa phương.

[Phát huy giá trị di tích Địa điểm tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 2]

Ngày 24/11/1946, nhân dân xã Phú Thượng vinh dự đón Bác về thăm lần thứ hai. Sáng hôm đó, Bác thăm hỏi và dùng cơm với gia đình cụ An. Buổi chiều, Bác nói chuyện với cán bộ khu Lãng Bạc và chính quyền, đoàn thể thôn Phú Gia.

Phòng trưng bày tại Di tích Lịch sử quốc gia nhà cụ Nguyễn Thị An, nơi Bác Hồ ở và làm việc năm 1945. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện tại, ngôi nhà của gia đình cụ An hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Ngôi nhà được ông Công Ngọc Dũng, cháu nội của cụ An trực tiếp trông coi.

Với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Người lưu lại đây, ngôi nhà được công nhận là Nhà lưu niệm Bác Hồ và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996.

Năm 2019, ngôi nhà đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp thành phố với tên "Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An."

Bày tỏ cảm xúc khi địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc được công nhận di tích lịch sử quốc gia, ông Công Ngọc Dũng bày tỏ vui mừng cho biết việc công nhận di tích cấp quốc gia đối với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đúng giá trị, ý nghĩa lịch sử của ngôi nhà./.

Khuôn viên Di tích Lịch sử quốc gia nhà cụ Nguyễn Thị An, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ ngày 23 đến 25/8/1945. (Ảnh: TTXVN phát)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục