Xem VTV đặc biệt ‘Ranh giới’: Biết trân trọng từng hơi thở mỗi ngày

Bộ phim phản ánh phần nào sự khốc liệt của cuộc chiến chống COVID-19. Tại đó, các y bác sỹ đang phải gồng mình, cố gắng từng giây phút để giành giật sự sống cho tất cả bệnh nhân.
Xem VTV đặc biệt ‘Ranh giới’: Biết trân trọng từng hơi thở mỗi ngày ảnh 1Nụ cười hạnh phúc của sản phụ trong phim. (Ảnh: VTV)

Những trao đổi hối hả, khẩn trương giữa các y bác sỹ, tiếng “tít, tít” từ các thiết bị y tế, tiếng khóc của một em bé mới chào đời, tiếng nấc nghẹn của một người đàn ông vừa mất vợ… tất cả những âm thanh ấy khiến khán giả truyền hình có cảm giác như mình đang có mặt ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Đó là nơi các chiến sỹ áo trắng ngày đêm chiến đấu với Tử thần COVID-19.

Chương trình VTV đặc biệt “Ranh giới” phát sóng tối 8/9 đã khiến hàng triệu khán giả truyền hình xúc động.

Những khung hình day dứt người xem

Xem xong chương trình, anh Nguyễn Quân (Hà Nội) nắm chặt tay người vợ đang mang thai 8 tháng. Mắt đỏ hoe, anh nói với vợ mình: “Từ ngày mai, em hãy ở yên trong nhà nhé.”

Trải qua 50 phút thời lượng phát sóng, anh Quân cho rằng bất kỳ ai xem bộ phim này một cách nghiêm túc đều sẽ xúc động và cân nhắc thật kỹ trước khi ra đường.

Bộ phim ghi lại những hình ảnh tại Khu K1, Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh), nơi điều trị những thai phụ mắc COVID-19.

Một phóng sự không có lời dẫn, lấy tiếng hiện trường 100% khiến khán giả như đang ở trong không gian phim, chứng kiến tận mắt những bước chân vội vã của các y bác sỹ, dường như chỉ giơ tay ra là chạm được vào bờ vai run rẩy của một người vừa mất đi thân nhân...

Sau khi bộ phim lên sóng, nhiều khán giả đã bày tỏ sự xúc động mạnh mẽ. Video phát lại trên website của VTV cũng đạt hơn 2 triệu lượt xem.

Xem VTV đặc biệt ‘Ranh giới’: Biết trân trọng từng hơi thở mỗi ngày ảnh 2Hình ảnh các y bác sỹ trong phim. (Ảnh: VTV)

“Bộ phim gợi nhớ lại những ký ức không vui của tôi ở bệnh viện. Tôi thấy tim mình nặng trĩu. Mọi người cần chuẩn bị tâm lý trước khi xem vì có những hình ảnh khiến chúng ta day dứt. Đây là một tác phẩm truyền hình rất giá trị trong lúc này,” khán giả Nguyễn Quân chia sẻ.

Nhà báo Ngô Bá Lục dành hai chữ “xuất sắc” để nói về chương trình này. Anh cho rằng lâu lắm rồi khán giả mới lại được xem một bộ phim tài liệu-phóng sự chân thực đến ngạt thở như vậy.

“Chắc chắn ai cũng cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến đấu với giặc COVID-19 để giành lại sự sống cho con người, mà điều đặc biệt nhất, khiến cho chúng ta gai người và cảm thấy hồi hộp, kịch tính nhất, chính là việc cứu chữa các sản phụ. Có người được cứu sống, nhưng cũng có những người đã không thắng nổi Thần Chết,” nhà báo Ngô Bá Lục nói.

Anh cho rằng xem phim, mọi người có thể nhận ra rằng mình đang thực sự sống trong thời chiến, dù không tiếng súng nhưng không bình yên, một cuộc sống đầy rẫy những bất trắc, khi mà tử thần có thể tìm đến bất kỳ ai, bất kỳ gia đình nào.

Bộ phim phản ánh sự khốc liệt của đại dịch. Qua đó, người dân sẽ xem lại bản thân một cách nghiêm khắc, sẽ có ý thức hơn để có thể sớm trở về cuộc sống tự do như trước đây.

“Để thực hiện bộ phim này, VTV đã vượt qua nhiều ranh giới. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã rất xuất sắc trong chuyên môn nghiệp vụ, rất dũng cảm trong quá trình thực hiện và nhân văn trong cách kể chuyện," nhà báo Ngô Bá Lục nhận xét.

Kể tiếp câu chuyện về sự sống

Về mặt chuyên môn, bộ phim cũng nhận được sự đánh giá cao của đạo diễn Khải Hưng. Ông chia sẻ: “Đã có lúc tôi không dám nhìn lên màn hình. Tôi thấy kính phục những người thầy thuốc, khâm phục những người làm phim. Các bạn thật quả cảm.”

Xem VTV đặc biệt ‘Ranh giới’: Biết trân trọng từng hơi thở mỗi ngày ảnh 3Hình ảnh một thai phụ mệt mỏi trong phim. (Ảnh: VTV)

Đạo diễn Lê Quý Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam, nhận xét bộ phim sử dụng khuôn hình luôn chuyển động với tốc độ nhanh, tiết tấu căng thẳng, hiện trường chật chội và bận rộn liên tục nên phim chỉ có các hình ảnh trung cảnh, cận cảnh và đặc tả, máy quay luôn theo sát từng diễn biến. Anh khẳng định “Ranh giới” là một chuẩn mực của thể loại phim tài liệu phóng sự.

“Sự thật với từng con người, từng sự việc được ghi lại hết sức chi tiết và đầy cảm xúc. Người lạnh lùng vô cảm nhất cũng sẽ rơi nước mắt cảm động, cảm thông và cảm phục,” đạo diễn cho hay.

['Các chiến sỹ áo trắng trên toàn quốc đang tận tâm, hết mình']

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng "Ranh giới" là lời cảnh báo cho tất cả những ai còn có thái độ chủ quan với căn bệnh quái ác này.

“Ranh giới giữa sống và chết, giữa quyết tâm và buông bỏ, giữa lòng quả cảm và sự hèn yếu, giữa trách nhiệm và sự vô tâm đã hiện lên trên từng khuôn hình. Trân trọng cảm ơn các nhà làm phim tài liệu của VTV đã không quản ngại nguy hiểm đến cả sự sống của chính mình, đi vào giữa tuyến đầu đầy thử thách để có những thước phim thật quý giá,” đạo diễn nhận xét.

Biên kịch Nguyễn Thanh Bình (Bình Bồng Bột) - người Việt hóa tác phẩm điện ảnh “Tiệc trăng máu," cho hay khi xem phim, có những giây phút anh nghẹn lại.

"Bộ phim tạo ra sự xúc động mãnh liệt, đặc biệt là ở kết phim có hai hình ảnh: Các y bác sỹ đón hai em bé song sinh chào đời từ một thai phụ F0 và cảnh một nhân viên y tế mắc COVID-19, nói với phóng viên là chỉ mong khỏi bệnh, được về sớm để tiếp tục làm việc, vì công việc ở bệnh viện 'nhiều dữ lắm,' Bình Bồng Bột chia sẻ.

Từ những cảm xúc ấy, biên kịch Bình Bồng Bột đặt ra vấn đề rằng các chiến sỹ áo trắng cần những vũ khí tốt nhất trong trận chiến này, bởi họ đang phải làm việc trong một hoàn cảnh quá khắc nghiệt.

Chia sẻ về bộ phim đang gây xúc động mạnh trong lòng khán giả, tác giả-đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hy vọng rằng những người đã xem bộ phim sẽ phần nào thay đổi cách sống, cách suy nghĩ của mình về đại dịch bởi chính bản thân anh cũng đã thay đổi rất nhiều sau chuyến công tác 21 ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh.

"Chính bản thân tôi cũng bị sốc khi bác sỹ phải đưa ra quyết định giữ mẹ hay con, khi bệnh nhân được kết nối với người nhà trước khi đặt ống nội khí quản, khi bệnh nhân vừa mới nói chuyện với mình xong đã rơi vào hôn mê…," người đạo diễn bùi ngùi chia sẻ.

Đặt tên phim là “Ranh giới,” anh muốn khán giả hình dung sự sống mong manh, dễ dàng mất đi như thế nào trong mùa dịch này, từ đó sẽ trân trọng cuộc sống, quý trọng hơi thở mình đang có hơn.

Xem VTV đặc biệt ‘Ranh giới’: Biết trân trọng từng hơi thở mỗi ngày ảnh 4Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. (Ảnh: VTV)

Anh bật mí rằng “Ranh giới” chỉ là phần mở đầu của câu chuyện về cuộc chiến giành giật sự sống giữa tâm dịch. Bộ phim thứ hai "Ngày con chào đời" sẽ được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam ngày 22/9.

Nếu như “Ranh giới” tập trung khắc họa đội ngũ y bác sỹ thì bộ phim thứ hai có nhiều điểm tươi sáng hơn. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Kiều Viết Phong sẽ kể câu chuyện về những người mẹ, những em bé mới chào đời nơi tâm dịch.

“Sau khi chào đời, các em bé buộc phải xa mẹ, sống trong những khu cách ly, có những bé cũng bị nhiễm COVID-19, cũng phải trải qua nhiều lần xét nghiệm, kiểm tra. Khoảnh khắc mẹ con không được gặp nhau rất xót xa,” đạo diễn chia sẻ.

Anh nói thêm rằng bộ phim tiếp theo cũng không dùng lời bình, mà tiếp tục sử dụng âm thanh thực, như chính những hơi thở trong đời sống để truyền tải thông điệp của phim.

“Đó là sự hy sinh quên mình của các bác sỹ dành cho thai phụ, của các thai phụ dành cho con và đằng sau đấy là cả gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước đang chống chọi với đại dịch khủng khiếp COVID-19. Mong sao một ngày dịch bệnh qua đi và mọi người trở lại cuộc sống bình thường,” đạo diễn tâm sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục