Xem người dân Quảng Bình tráng bánh đa giữa cái nắng như đổ lửa

Đến thôn Tân An, vào những ngày Hè nắng như đổ lửa, sẽ thấy những phên bánh tráng nằm phơi mình giữa các khoảng sân chói chang nắng, khắp các con ngõ quanh co bên dòng sông Giang lịch sử.
Xem người dân Quảng Bình tráng bánh đa giữa cái nắng như đổ lửa ảnh 1Bất chấp cái nóng mùa Hè 40 độ C ngoài trời, hay 50-60 độ C cạnh bếp lò, người dân Tân An vẫn miệt mài tráng bánh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đến thôn Tân An, xã Quảng Thanh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vào những ngày Hè nắng như đổ lửa, sẽ thấy những phên bánh tráng nằm phơi mình giữa các khoảng sân chói chang nắng, khắp các con ngõ quanh co bên dòng sông Giang lịch sử.

Hơn 100 năm qua, nghề làm bánh tráng đã nuôi sống hàng trăm hộ dân Tân An và cũng trong từng ấy thời gian, người dân nơi đây vẫn luôn bền bỉ với nghề thủ công truyền thống, bất chấp cái nóng như thiêu đốt của miền Trung cùng với cái nóng của bếp lò luôn rực lửa cả ngày lẫn đêm, quanh năm ngày tháng.

Tân An đất chật người đông, nhà cửa san sát nhau, đất sản xuất nông nghiệp cũng rất ít ỏi nên người dân Tân An coi việc làm bánh tráng như một nghề tạo thu nhập chính.

Chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Huệ có hoàn cảnh đặc biệt nhưng là một trong số ít những hộ còn giữ được nghề thủ công truyền thống của làng. Anh Huệ bị mất một chân trong một lần bị tai nạn. Vợ anh trong một lần đi giao bánh gặp lúc trời mưa cũng bị tai nạn nằm liệt giường.

Bỗng chốc lâm vào cảnh khốn cùng nhưng quyết tâm vượt khó, anh Huệ dù mất một chân vẫn sớm hôm tráng bánh và nay đã trở thành nghệ nhân tráng bánh giỏi nhất làng. Trung bình mỗi phút anh tráng được 15 chiếc bánh, trong khi người lành lặn bình thường chỉ tráng khoảng 10 chiếc.

Xem người dân Quảng Bình tráng bánh đa giữa cái nắng như đổ lửa ảnh 2Anh Huệ đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành nghệ nhân tráng bánh giỏi nhất làng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Anh Huệ tâm sự rằng, khi cả hai vợ chồng liên tiếp gặp nạn, cuộc sống gia đình tưởng đi vào ngõ cụt, nhưng chính cái nghề của ông cha để lại đã cứu gia đình anh, nhờ thế mà anh vẫn nuôi được hai con ăn học nên người.

Sau hàng trăm năm, người dân Tân An đã coi nghề làm bánh tráng là nghề chính chứ không còn là nghề phụ lúc nông nhàn. Theo ông Phạm Văn Khoa, Bí thư thôn Tân An cho biết, hiện trung bình mỗi lao động thủ công ở Tân An có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, những tháng gần Tết, mỗi lao động có thể thu nhập trên dưới 15 triệu đồng.

Ngày nay, thế hệ trẻ Tân An vẫn tiếp tục nối nghiệp nghề thủ công truyền thống của các thế hệ cha ông.

Tuy nhiên, khi cơn lốc đô thị hóa “quét” qua các làng quê, con người và nhịp sống nơi đây cũng đổi khác nhờ tiện nghi của các phương tiện sản xuất mới, máy móc hiện đại.

Người dân Tân An đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Bánh mè xát Tân An với mục đích đưa thương hiệu bánh tráng của làng đi xa hơn, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân Tân An./.

Xem người dân Quảng Bình tráng bánh đa giữa cái nắng như đổ lửa ảnh 3Không chỉ giữ được nghề thủ công, người dân Tân An còn đưa máy móc vào sản xuất bánh tráng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục