Xe ôm phải có thẻ hành nghề: Cần thiết hay tạo thêm thủ tục phiền hà?

Dự thảo người chạy xe ôm chở khách, chở hàng hóa phải có thẻ hành nghề của thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến khiến nhiều tài xế băn khoăn về quy định này.
Hà Nội đề xuất xe ôm phải có thêm thẻ hành nghề đang nhận lại nhiều ý kiến băn khoăn của cánh tài xế. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến thông tin thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo người chạy xe ôm chở khách, chở hàng hóa phải có thẻ hành nghề, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn và đặt vấn đề có thực sự cần thiết muốn đưa loại hình hoạt động xe ôm vào khuôn khổ hay lại tạo sự phiền hà về mặt thủ tục.

Xã, phường cấp thẻ hành nghề cho xe ôm

Theo dự thảo của thành phố Hà Nội, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa phải đăng ký với ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ hoạt động vận chuyển do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.

Người hành nghề xe ôm hay chở hàng hóa khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ gồm: Giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy phép lái xe; căn cước công dân còn hiệu lực; thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.

Dự thảo quy định, ủy ban nhân dân xã, phường đóng dấu xác nhận thẻ hoạt động và lập danh sách đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện.

Làm tài xế trên ứng dụng gọi xe công nghệ hai bánh được 3 năm nay, anh Nguyễn Thành Trung (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) bày tỏ sự ngạc nhiên với đề xuất này của thành phố Hà Nội.

Theo anh Trung, muốn trở thành tài xế công nghệ, các đơn vị tuyển dụng tài xế đòi hỏi bộ hồ sơ và lý lịch tư pháp, cùng khả năng quản lý, đồng bộ thông tin rất rõ ràng. Tài xế công nghệ chạy qua ứng dụng gọi xe (app) thì đều đóng hồ sơ qua công ty và được gọi là “đối tác,” thậm chí còn học cả quy tắc ứng xử của đối tác. Khi hành khách có phản ánh, khiếu kiện đều có thể liên hệ trực tiếp với tài xế hoặc công ty rất dễ dàng do hồ sơ được quản lý từ khâu đầu vào.

“Nếu được lấy ý kiến, tôi sẽ phản đối. Khách hàng đặt xe qua app thì thông tin của lái xe đã được hiển thị trên ứng dụng nên cũng không cần thiết phải kiểm tra thẻ hành nghề,” anh Trung chia sẻ.

Đánh giá đề xuất này chưa cần thiết, anh Phạm Khánh Hải (huyện Sơn Động, Bắc Giang) chạy shipper cho ứng dụng Grabfood cho biết các hãng “xe ôm” công nghệ đều có logo, trang phục phân biệt riêng. Do đó, người dân rất dễ dàng nhận diện tài xế đến chở khách hay giao hàng.

Tài xế chạy xe ôm tại Bến xe Giáp Bát được đăng ký và chịu sự quản lý mới có thể đón, trả khách tại bến. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Trong thời đại số hóa, việc cấp thêm thẻ đeo hành nghề là không hợp lý do đã được quản lý bằng công nghệ. Việc cấp thẻ hành nghề nên được cơ quan chức năng đồng bộ dữ liệu với các công ty đứng đằng sau các ứng dụng gọi xe, đặt giao hàng, tránh tài xế phải khai lại gây lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội,” anh Hải nói.

Người dân đồng thuận mới ban hành

Nhiều ý kiến lo ngại về việc phát sinh thủ tục hành chính, quá tải cho đơn vị xác nhận, tạo phiền hà cho tài xế xe ôm trong bối cảnh số lượng tài xế xe ôm, shipper rất lớn, khó định lượng.

Hiện tại, thị trường xe hai bánh chở khách và chở người đang phát triển rất sôi động tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành cả nước, với sự góp mặt của các hãng trong nước cũng như nước ngoài.

Với xe ôm công nghệ chở khách có Grab, Xanh SM, Be. Các hãng vận chuyển có GHN (Giao hàng nhanh), Giao hàng Tiết kiệm, Ahamove... Ngoài ra, có lực lượng shipper đồ ăn như Grabfood, Shopee Food, Go food, Befood...

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định, các giấy tờ lái xe máy cầm theo là bằng lái, giấy đăng ký xe, bảo hiểm.

“Nghề lái xe ôm hay chở hàng cũng giống như người tham gia giao thông thông thường. Như vậy, việc yêu cầu cấp thêm thẻ hành nghề xe ôm không nằm trong quy định của pháp luật. Nếu thủ tục cấp thẻ gây mất thời gian, phiền hà còn dễ phát sinh tiêu cực trong việc xác nhận và đóng dấu thẻ,” Luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ lo ngại.

Hiện tại, thị trường xe hai bánh chở khách và chở người đang phát triển rất sôi động tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành cả nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới đang lấy ý kiến rộng rãi, nếu không được người dân đồng thuận sẽ không thể ban hành.

“Mục tiêu của việc cấp thẻ hành nghề với xe ôm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Khi xe ôm có thẻ hành nghề, có sự nhận diện địa phương sẽ ưu tiên vị trí đón trả khách thay vì sự tuỳ tiện như hiện nay," đại diện Sở Giao thông Vận tải cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục