Để giảm ùn tắc giao thông Hà Nội đã đưa ra lộ trình hạn chế và tiến tới cấm xe máy ở một số tuyến phố nội đô từ năm 2025, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra biện pháp phát triển hợp lý các phương tiện vận tải nhằm giảm áp lực giao thông.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông và người dân đều bày tỏ sự lo ngại khi hạn chế xe máy thì người dân đi bằng gì? Người dân không dễ dàng từ bỏ thói quen sử dụng xe máy vì sự tiện lợi và tính kinh tế của xe máy cũng như các loại phương tiện giao thông công cộng chưa đủ hấp dẫn cho đại đa số người dân.
Xe máy chính thức “bùng nổ” thay thế xe đạp vào những năm 90 và hiện nay có thể coi là “đặc sản” của giao thông Việt Nam khi từ nhà ra phố, từ nông thôn tới thành thị, bất cứ đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân sử dụng làm phương tiện đi lại. Những con ngõ nhỏ ngoằn nghèo, từng ngóc ngách đã khiến cho xe máy vươn tới mọi điểm đến vì sự linh hoạt, tiện lợi cho người sử dụng.
Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy, hiện cả nước hiện có tổng số hơn 45 triệu xe môtô, xe máy, vượt quá quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ, theo đó từng dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 36 triệu môtô, xe máy.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố hiện có có 5,5 triệu xe cá nhân, trong đó 500.000 ôtô, hơn 5 triệu xe máy. Tới năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ôtô và 7 triệu xe máy. Trong đó, bình quân trên địa bàn thành phố Hà Nội, mỗi tháng, lượng đăng ký mới với xe máy là 18.000-22.000 chiếc, ôtô là 6.000-8.000 chiếc.
Khẳng định thói quen sử dụng xe máy của người dân không dễ dàng từ bỏ vì sự tiện lợi và tính kinh tế của xe máy cũng như các loại phương tiện giao thông công cộng chưa đủ hấp dẫn cho đại đa số người dân, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đối với những người đã từng sở hữu xe máy, tỷ lệ người tiếp tục mua xe mới để sử dụng lên đến 94%.
Hiện nay, tỷ lệ số hộ gia đình sở hữu xe con cá nhân đang có xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, những người sở hữu xe ôtô cá nhân vẫn tiếp tục sử dụng xe máy cho đi lại hàng ngày bởi dù ôtô là một sản phẩm văn minh, hiện đại, an toàn hơn nhưng chưa thể thay thế bởi giá cả, chi phí còn quá đắt, sự tiện lợi chưa thể bằng xe máy. Thêm vào đó, lịch sử của các đô thị cũ vốn sinh ra để phục vụ xe thô sơ, xe máy nên ôtô vẫn bị “trói chân”.
Tại nhiều cuộc hội thảo, tranh luận xung quanh về việc về xe máy hay ôtô là “thủ phạm” gây ùn tắc giao thông luôn là vấn đề nóng. Và để giảm ùn tắc, nhiều ý kiến cho rằng, nên có lộ trình hạn chế từng bước cả 2 loại hình này.
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những biện pháp cần thiết nhưng phải đi kèm với phát triển giao thông công cộng.
“Giao thông công cộng tại các thành phố lớn tại Việt Nam còn quá yếu kém. Thực tế, tại Hà Nội hiện nay chỉ đáp ứng được 8%-10% nhu cầu và dự kiến đến năm 2025 cũng chỉ đáp ứng được nhiều nhất là 15%-20%. Khi đó, nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì khoảng 80% dân số Hà Nội không có phương tiện đi lại,” ông Thủy nhìn nhận.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, tại Hà Nội nói riêng và các đô thị trong cả nước nói chung, có tới 70%-80% người dân sử dụng xe máy để mưu sinh, phục vụ các hoạt động thường ngày, công việc của họ không phù hợp với các phương tiện như xe buýt, xe điện.
“Do mức sống người dân còn thấp nên xe máy là phương tiện rất quan trọng. Đến năm 2025 chắc chắn vẫn có khoảng 50%-60% người dân đi xe máy. Nếu cấm xe máy cá nhân là cắt đi ‘cần câu cơm’ của người dân. Như vậy, không thực tế, gây khó khăn cho người dân,” ông Thủy khẳng định.
Nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ quan điểm, quy hoạch đô thị ở Việt Nam là cặp bài trùng với xe máy. Những dấu vết quá khứ của sự phát triển như ngõ nhỏ, phố nhỏ cũng chính là điều kiện để xe máy ồ ạt gia tăng. Đó còn chưa kể, các đô thị mới liên tục được xây dựng tại các khu trung tâm, hệ thống các trường học, cơ quan Nhà nước chưa được giãn bớt ra ngoại thành cũng là nguyên nhân gia tăng áp lực lên giao thông.
“Chính những tồn tại, bất cập này cộng thêm với lịch sử giao thông Việt Nam xuất phát điểm từ xe đạp đi lên xe máy nên xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ đạo của người dân ít nhất trong vòng 10-15 năm tới đây,” đại diện một chuyên gia giao thông đánh giá.
Để giải bài toán này, đa số các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước đều nhấn mạnh đến việc làm trước tiên cần đầu tư hạ tầng giao thông, tăng cường thêm phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, đường sắt trên cao, đưa trường học ra nội đô, mở rộng đường, làm thêm cầu vượt…/.