Số lượng xe ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát theo quy định tại Nghị định 10/2020 vẫn đang rất lớn dù mốc thời hạn yêu cầu phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021, nếu không sẽ bị xử phạt.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dù đã có nhiều văn bản yêu cầu sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình tại Nghị định 10/2020, nhưng đến nay mới có hơn 25.000 trên tổng số 200.000 phương tiện phải lắp camera, đạt khoảng hơn 12%, còn 88% số phương tiện chưa thực hiện.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng vừa có văn bản nhắc nhở các đơn vị vận tải khẩn trương lắp camera hoàn thành trước ngày 31/12/2021. Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp lắp camera phải đạt chuẩn theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396 và cân nhắc lắp đặt thiết bị sử dụng công nghệ 4G trở lên.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết các đơn vị vận tải vẫn có thể chọn camera theo tiêu chí của Nghị định 10 và Thông tư 12. Tuy nhiên, lắp camera theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396 sẽ tối ưu và tiết kiệm lâu dài bởi được tích hợp thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G, nên không cần sử dụng thiết bị 2G cũ đã lắp. Vì thế, xe chỉ cần duy trì 1 simcard 4G, chỉ phải bảo hành một thiết bị, giảm tránh tổn hại ắc quy và hao phí nhiên liệu, sắp tới nhà mạng cắt 2G sẽ không bị ảnh hưởng.
Ông Quyền cho rằng sau khi có tiêu chuẩn trên, các doanh nghiệp sẽ yên tâm và lắp camera đúng hạn trước 31/12/2021 như Chính phủ quy định.
Là đơn vị cung cấp thiết bị, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần HC, cho hay các nhà cung ứng buộc phải đổi mới công nghệ, vừa để đáp ứng các quy định, vừa phải cạnh tranh giá cả và chất lượng.
“Nhờ đó, giá camera sẽ cạnh tranh hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi. Trước khi các doanh nghiệp tham gia cung ứng, giá lắp đặt thiết bị phần cứng khoảng 10-12 triệu đồng/xe, hiện nay giá chỉ còn khoảng 3-5 triệu đồng/xe,” ông Chiến thông tin.
[Tạm ngừng xử phạt ôtô chưa lắp camera giám sát đến hết 31/12]
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, trường hợp sau ngày 31/12/2021, xe kinh doanh vận tải vẫn chưa lắp camera giám sát thì các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện.
Để thúc tiến độ lắp camera trên xe kinh doanh vận tải, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu thanh tra bộ; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021 của Chính phủ và đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ôtô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Cụ thể, các sở giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị vận tải kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020. Thời gian thực hiện xong trước ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết số 66 của Chính phủ, tuyên truyền đến lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera trên xe ôtô để tránh bị xử phạt từ ngày 1/1/2022.
Các sở giao thông vận tải giao thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra các phương tiện trước khi xe xuất bến và trong quá trình khai thác hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không lắp camera trên xe theo quy định.
“Tổng cục Đường bộ phối hợp với Vụ Vận tải kiểm tra việc thực hiện tại địa phương có số lượng lớn phương tiện thuộc diện phải lắp camera hoặc tỷ lệ lắp còn thấp," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo./.
Nghị định 100/2019 quy định xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt: 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera theo quy định. |