Xe hợp đồng trá hình “vét khách” tuyến cố định được quản lý ra sao?

Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có nhiều giải pháp để quản lý xe hợp đồng trá hình, lách luật nhằm “vét khách” tuyến cố định.
Thanh tra giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra xe Limousine chạy quanh cổng sau khu vực Big C. (Ảnh: Đức Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra một số bổ sung một số quy định mới đối với xe hợp đồng “trá hình” nhằm siết chặt tình trạng “xe dù, bến cóc” đang nở rộ ở các tỉnh, thành trên cả nước tại dự thảo sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đang chờ lấy ý kiến các Bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan góp ý.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, từ năm 2008 tới nay, các chính sách thường xuyên được điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện cho vận tải đường bộ phát triển kể cả hàng hóa và hành khách.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi đang thực hiện Nghị quyết 19 tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Bộ cũng thường xuyên rà soát, tạo thuận lợn hơn cho doanh nghiệp. Vì thế, Nghị định 86 cũng được sửa đổi đã cụ thể hoá Luật giao thông đường bộ, tập trung vào vấn đề vận tải hành khách bằng tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe du lịch, xe hợp đồng.

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, thời gian vừa qua qua, cả ba Nghị định 91, 93 và 86 có nhiều nội dung đã xuất hiện những vấn đề mới mà thời điểm ban hành chưa có như ứng dụng công nghệ vào vận tải như Grab, Uber… “Xe dù, bến cóc” bản chất chủ yếu là xin phù hiệu xe hợp đồng nhưng lại chạy như xe khách tuyến cố định, gây bức xúc trong dư luận, mất trật tự an toàn giao thông.

[Xe Limousine “núp bóng” hợp đồng vào nội đô đón, trả khách]

Để khắc phục, Bộ Giao thông Vận tải triển khai tích cực, ban hành Thông tư số 10 quy định về hình thức xử lý, nếu cá đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm sẽ thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh, nâng cao chế tài xử phạt mà Nghị định cũ chưa có, những xe hợp đồng “trá hình” hay mắc phải lỗi nào sẽ tăng nặng hoặc chưa đưa vào thì sẽ bổ sung.

“Nghị định 86 tạo điều kiện cho cơ quan thanh kiểm tra có chế tài mạnh, trong quá trình nghiên cứu để bổ sung quy định làm thế nào để phân biệt giữa tuyến cố định và hợp đồng phải căn cứ vào Luật giao thông đường bộ,” vị Vụ trưởng Vụ Vận tải nhấn mạnh.

Theo đó, xe tuyến cố định chạy từ bến tới bến theo một hành trình cố định, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy hoạch nên khá ổn định. Đối với xe hợp đồng, Luật chỉ quy định là xe được vận chuyển theo nhu cầu của hành khách và hai bên phải ký hợp đồng với nhau. Đơn vị kinh doanh vận tải là hộ cá thể có thể tham gia vào xe hợp đồng nên nảy sinh bất cập. Xe hợp đồng trong Luật quy định đi theo yêu cầu của khách, ngay trong Luật giao thông đường bộ còn quy định chưa chặt chẽ dẫn tới “lách luật”.

“Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo, xin ý kiến các Hiệp hội vận tải, doanh nghiệp, tổng hợp lại cố gắng làm sao tránh hiện tượng ‘lách luật’ của xe hợp đồng bằng cách đi từ bến A đến bến B đều đặn hàng tháng. Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung quy định những trường hợp này là vi phạm; kiểm soát thông qua thiết bị giám sát hành trình thì xe taxi hay hợp đồng,” ông Ngọc nói thêm.

Ngoài ra, ông Ngọc cho hay, với xe hợp đồng, trước khi xuất hành phải có văn bản thông báo gửi về Sở Giao thông Vận tải. Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc nhắn thông tin đến Sở là cực kỳ đơn giản, không hề phiền hà.

Ông Ngọc cũng dẫn chứng việc đi xe hợp đồng, nhưng đi đến 1/3 đoạn đường, lái xe mới đưa ra giấy tờ cho người dân ký và như vậy thì không thể coi là hợp đồng chuẩn. Trong Nghị định 86 sửa đổi, Bộ Giao thông Vận tải cũng mạnh dạn đưa ứng dụng hợp đồng điện tử vào áp dụng trong hoạt động xe chạy hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường thừa nhận, từ trước đến nay, chưa có Nghị định nào thường xuyên bổ sung và thay đổi nhiều như Nghị định về vận tải để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận gần hơn, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn, tránh trường hợp lợi dụng kẽ hở của pháp luật vào kinh doanh, gây mất trật tự an ninh. Vừa qua, Chính phủ cho phép thí điểm hợp đồng điện tử.

“Nghị định 86 sẽ hoàn thiện theo hướng nghiêm túc, xe hoạt động phải có biển hiệu, hợp đồng “tránh xâm hại quyền lợi của khách đồng thời xử lý nghiêm nhà xe không chấp hành quy định.

Với xe khách, nhiều nước trên thế giới có nhiều hình thức bắt khách như có các bến cố định. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề đi lại trong dịp có khả năng đông thì cũng cần có các bến lưu động, Việt Nam gọi là ‘xe dù, bến cóc’. Tới đây cũng cần phải nghiên cứu loại hình bến lưu động này, để tạo điều kiện hơn cho người dân và đưa ra chế tại bổ sung mạnh mẽ hơn,” Thứ trưởng Trường bày tỏ quan điểm.

Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86 này, về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng các quy định để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và xe du lịch như cho phép sử dụng hợp đồng điện tử; trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi.

Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính; trụ sở chi nhánh; văn phòng đại diện hoặc hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh để chống “xe dù, bến cóc”; trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến xe có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau, không được thực hiện lặp lại trên một lịch trình, hành trình.

Đặc biệt, hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Với đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ôtô có số người được phép chở dưới 8 chỗ phải thông báo tới cơ quan quản lý nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục