Xe điện "mắc kẹt" giữa cuộc chiến thuế quan EU-Trung Quốc

Chắc chắn việc EU tăng thuế sẽ gây khó khăn cho những "gã khổng lồ" xe điện Trung Quốc khi họ đang lên kế hoạch đưa các thương hiệu thâm nhập châu Âu.
Mẫu xe điện của BYD tại Triển lãm ôtô quốc tế ở Munich, Đức tháng 9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bất kỳ ai theo dõi Giải vô địch Bóng đá châu Âu (EURO 2024) vào cuối tuần qua có thể dễ dàng nhận thấy logo của BYD, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, xuất hiện khắp mọi nơi với vai trò là nhà tài trợ chính và "đối tác di động" cho các trận đấu được tổ chức trên khắp các thành phố của Đức.

Cùng trong tuần đó, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Như vậy nghĩa là một mặt, châu Âu vẫn chào đón các thương hiệu Trung Quốc, mặt khác họ lại thẳng tay trừng phạt các doanh nghiệp nước này.

Những động thái này là điển hình cho cách ứng phó mâu thuẫn của EU đối với xe điện.

Nỗ lực chống hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc sẽ thất bại thảm hại - và hệ quả là nó có thể phá hủy ngành công nghiệp ôtô hùng mạnh một thời của Lục địa Già.

Chắc chắn việc EU tăng thuế sẽ gây khó khăn cho những "gã khổng lồ" xe điện Trung Quốc khi họ đang lên kế hoạch đưa các thương hiệu thâm nhập châu Âu.

Ngày 12/6, EU tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung lên tới 38% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, cộng với mức thuế 10% hiện hành, khiến tổng thuế cho bất kỳ chiếc xe điện nào mà các thương hiệu Trung Quốc đưa vào khối lên tới gần 50%.

Động thái này diễn ra sau quyết định áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chỉ một "đòn đánh" này, lợi thế về giá mà các hãng xe điện như BYD, Geely và Nio định sử dụng để buộc các thị trường châu Âu mở cửa và bắt đầu xây dựng sự hiện diện trên châu lục này đã bị "xóa sổ."

Xe điện Trung Quốc sẽ trở nên đắt hơn nhiều và EU sẽ thu được khoản thuế khổng lồ từ mặt hàng này.

Không khó để hiểu tại sao quyết định này được đưa ra. EU lo ngại các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ lấn át ngành công nghiệp ôtô châu Âu, hiện vẫn sử dụng khoảng 13,8 triệu lao động, chiếm 6% tổng lực lượng lao động của khu vực và tạo ra 150 tỷ euro (130 tỷ bảng Anh) kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Người ta có thể tranh luận về việc liệu xe Trung Quốc được trợ cấp để có giá rẻ hay chỉ đơn giản là được sản xuất hiệu quả hơn bởi các công ty đã nắm vững công nghệ một cách tuyệt vời trong thời gian ngắn, hoặc sự kết hợp của cả hai điều này.

Nhưng thật khó để cạnh tranh khi các doanh nghiệp phải chịu mức thuế 50% cho mỗi chiếc xe bán ra.

Vấn đề là chính sách này có thể sẽ phản tác dụng đối với EU bởi lẽ Trung Quốc sẽ có hành động trả đũa.

Đã có những báo cáo cho rằng Trung Quốc sẽ đáp trả bằng thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu chủ lực từ EU, đặc biệt nhắm vào các loại xe sang trọng, cao cấp bán chạy nhất ở nước này.

Kim ngạch xuất khẩu xe sang của châu Âu sang Trung Quốc đạt 18 tỷ euro mỗi năm, và thậm chí nhiều tiền hơn được đầu tư vào các hoạt động liên doanh địa phương, điều sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất xe châu Âu.

Thuế quan cũng có thể được nhắm vào các mặt hàng quan trọng khác của EU như sữa và nông phẩm.

Trung Quốc không phải là không có một chính sách thương mại mạnh mẽ hoặc chậm chạp trong việc bảo vệ các ngành công nghiệp của họ.

Các doanh nghiệp EU khó tránh khỏi việc phải trả giá đắt và cuối cùng sẽ bị loại khỏi thị trường lớn nhất thế giới.

Xe điện vẫn là một công nghệ mới và cần phải có những cải tiến lớn về quãng đường lái xe, thời lượng pin, trọng lượng xe và hơn hết là giá cả nếu chúng trở thành phương tiện di chuyển tiêu chuẩn. Điều đó sẽ chỉ xảy ra khi có sự cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều công ty khác nhau.

Ngay cả khi được nhà nước bảo hộ, các nhà sản xuất xe châu Âu sẽ dần dần kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu, nơi họ không thể "trốn" sau các bức tường thuế quan.

Trong bối cảnh đó EU sẽ phá hủy một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và chiến lược nhất của chính mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục