Xe điện hai bánh: Lúng túng trong phân biệt, xử phạt và đăng ký

Xe đạp điện, xe máy điện đang được bày bán tràn lan và vẫn chưa kiểm soát được chất lượng cũng như nguồn gốc dẫn đến lúng túng trong việc phân biệt, xử phạt và đăng ký.
Lực lượng chức năng vẫn đang lúng túng trong việc phân biệt xe đạp điện và xe máy điện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho người sử dụng các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện” vào sáng 6/6, đại diện nhiều cơ quan chức năng nhìn nhận, xe điện hai bánh đang được bày bán tràn lan và vẫn chưa kiểm soát được chất lượng cũng như nguồn gốc.

Sau gần 1 tuần tiến hành xử phạt xe máy điện (từ 1/6) vi phạm Luật giao thông, lực lượng chức năng vẫn đang lúng túng trong việc phân biệt, nhận dạng hai loại phương tiện này dẫn đến chưa xử lý hoặc mới chỉ dừng ở mức nhắc nhở. Trái lại, người dân ở nhiều địa phương gần như vẫn “nói không” với việc đăng ký xe máy điện.

Không rõ nguồn gốc, chất lượng

Trong thời gian vừa qua, trên thị trường xuất hiện rất nhiều chủng loại xe hai bánh chạy bằng điện như xe đạp điện, xe máy điện chưa rõ nguồn gốc và chưa được kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật.

Theo bà Lê Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), xe đạp điện nhập khẩu bán tràn lan trên thị trường vi phạm về nhãn mác, thương hiệu, bán hàng không hóa đơn, chứng từ... đang ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, phá hoại nền sản xuất trong nước và gây thất thu ngân sách của Nhà nước. Ngoài hàng được nhập và lắp ráp lậu trong nước còn có một nguồn khác từ đường tiểu ngạch được nhập và bán nguyên chiếc.

“Một số chủ cửa hàng tiết lộ, xe nhập theo đường tiểu ngạch còn được gọi là hàng ‘giả’, chủ yếu được nhập qua đường Lạng Sơn với giá 8,5 triệu đồng/xe và về đến Hà Nội có giá 9,1 triệu đồng. Loại này giờ trôi nổi nhiều, nhưng chủ cửa hàng không dám công khai mà phải ‘trộn’ vào hàng của Công ty phân phối. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều vi phạm về việc doanh nghiệp không niêm yết giá, dán nhãn hàng... khiến người tiêu dùng khó xác định được giá và chất lượng,” bà Châu nói.

Tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Cục Phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (Bộ Công an) cho biết, người tham gia giao thông, trong đó chủ yếu lại là học sinh, sinh viên điều khiển xe máy điện, xe đạp điện đi với tốc độ cao, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm… vi phạm Luật giao thông đường bộ đang có chiều hướng gia tăng, gây mất an toàn giao thông.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, hàng năm, lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt trên dưới 6 triệu trường hợp vi phạm luật giao thông. Riêng môtô, xe gắn máy là gần 4 triệu trường hợp; trong đó bao gồm cả các trường hợp người điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện, xe thô sơ vi phạm luật giao thông.

“Các loại xe đạp điện đang lưu hành có vận tốc tối đa lên tới 40-50 km/giờ, không phát ra tiếng nổ, đi êm, không có đèn xi nhan, khi sang đường, rẽ trái hay rẽ phải người đi sau rất khó phát hiện nên dễ xảy ra tai nạn. Xe đạp điện đang tiềm ẩn một mối nguy hiểm cho người điều khiển nó và cho những người tham gia giao thông,” Đại tá Tuấn cho hay.

Ngoài ra, có ý kiến tại hội thảo cũng cho hay, phương tiện xe 2 bánh chạy bằng điện thường gây tiếng ồn, không có khí thải trực tiếp nên nhiều người nhầm tưởng đây là phương tiện sạch đối với môi trường.

Nhiều đại diện các cơ quan cũng đưa ra nhận định: Các cấp bộ, ngành liên quan cũng phải tính đến việc thu hồi hoặc xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ do ắc quy, động cơ của các loại phương tiện này gây ra và hướng dẫn người sử dụng nên lựa chọn phương tiện phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi.

Lúng túng phân biệt xe

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, hệ thống các quy định loại phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện hiện nay đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, người sử dụng thường nhầm lẫn giữa các loại xe máy điện (vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/giờ) và xe máy điện (vận tốc không quá 25km/giờ). Xe đạp điện chưa có quy định về độ tuổi người điều khiển phương tiện, người ngồi sau xe.

Liên quan tới công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông cho người sử dụng xe hai bánh chạy bằng điện, các đại biểu nhìn nhận, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa tới loại hình phương tiện đặc biệt này.

Cụ thể, hiện mới có 6 tỉnh thành trên cả nước gồm Hà Nội, Bến Tre, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau xây dựng chuyên đề riêng, đưa ra kế hoạch xử lý vi phạm đối với người đi xe máy điện, xe đạp điện vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Đề cập đến công tác đăng ký và quản lý phương tiện, theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện nay, một số lượng lớn chủ sở hữu xe máy điện vẫn chưa đến Phòng Cảnh sát giao thông để đăng ký do thiếu các loại giấy tờ và nguồn gốc của xe. Người dân và cán bộ làm nhiệm vụ ngoài đường vẫn gặp khó khăn trong việc phân biệt bằng cảm quan qua công suất động cơ và vận tốc thiết kế lớn nhất của xe đạp điện và xe máy điện.

Bên cạnh đó, theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Nguyễn Ngọc Tuấn, lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn việc xử lý vi phạm bởi người vi phạm chủ yếu là độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, xe không có biển số, số khung, số máy… nên tạm giữ phương tiện dễ dẫn đến nhầm lẫn, sai sót.

“Lực lượng chức năng hoặc chưa xử lý, hoặc mới chỉ dừng ở mức nhắc nhở, tuyên truyền. Trong khi đó, người dân ở nhiều địa phương gần như vẫn nói không với việc đăng ký xe máy điện. Vừa qua, Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi tới các địa phương tạo mọi điều kiện cho người dân đến đăng ký theo đúng quy định,” Đại tá Tuấn cho biết.

Để người dân phân biệt được xe máy điện, xe đạp điện, Đại tá Tuấn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn thêm đặc điểm nhận dang hai loại phương tiện này đồng thời có hướng dẫn xác định năm sản xuất, chứng từ nguồn gốc của xe máy điện. Mặt khác, Bộ tài chính và Bộ Công thương… đề xuất biện pháp xử lý xe máy điện trôi nổi đang được người dân sử dụng từ 2009 đến nay.

“Thực trạng hiện nay có bao nhiêu xe máy điện lưu thông ngoài xã hội, chúng ta chưa có thống kê nên cũng không thể biết được. Quản lý nhập khẩu chưa chặt chẽ, nên ngoài thị trường còn nhiều xe trôi nổi không có chứng từ nguồn gốc. Ngoài ra, các đơn vị phải đẩy mạnh tuyên truyền đề người dân hiểu. Đăng ký xe là cơ sở đề đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân, tăng cường quản lý Nhà nước,” Đại tá Tuấn bày tỏ quan điểm.

Trước thực trạng trên, các đại biểu cũng đưa ra giải pháp, cần tăng cường việc đăng kiểm chất lượng xe hai bánh chạy bằng điện và đăng ký xe máy điện; nghiên cứu giới hạn độ tuổi sử dụng xe máy điện, xe đạp điện; nâng cấp cơ sở hạ tầng nếu nơi nào có điều kiện xây dựng đường dành cho người đi xe máy, xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm an toàn đồng thời tăng cường các biện pháp tuyên truyền trong nhà trường và xã hội qua các phương tiện thông tin truyền thông…/.

Hiện nay, ở các tỉnh thành, cơ quan chức năng vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ về số lượng xe máy điện, xe đạp điện đang hoạt động, tham gia lưu thông trên đường.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, đến hiện tại, Cục đã kiểm tra được gần 1.400 xe máy điện và gần 2.500 xe đạp điện trên địa bàn cả nước.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục