Xe buýt Hà Nội hút khách trở lại, tình trạng bỏ điểm dừng đỗ giảm

Xe buýt Hà Nội có bước chuyển biến mạnh mẽ, hút khách trở lại

Sản lượng khách đi xe buýt của thành phố Hà Nội đã có chiều hướng tăng trưởng trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Xe buýt ngày càng thu hút hành khách lựa chọn làm phương tiện đi lại. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thời gian vừa qua, xe buýt Thủ đô Hà Nội đang ngày càng thu hút hành khách lựa chọn làm phương tiện đi lại nhờ chất lượng dịch vụ vận tải, thời gian vận hành lượt/chuyến đã có những bước chuyển biến tích cực.

Hút khách trở lại

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (HPTC), trong chín tháng năm 2023, hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt của Hà Nội đã vận chuyển hơn 417,2 triệu lượt khách (đạt 96,4% so với kế hoạch, tăng 56,8% so với cùng kỳ).

Chỉ tính riêng với xe buýt, tổng lượt xe thực hiện ước đạt 5.451.201 lượt. Tổng hành khách vận chuyển ước đạt 410 triệu (đạt 94,7% so với kế hoạch và tăng 57,1% so với thực hiện cùng kỳ 2022). Tổng doanh thu toàn mạng buýt ước đạt 410,2 tỷ đồng. Tuyến buýt nhanh BRT vận chuyển khoảng 3,4 triệu lượt khách.

Là đơn vị chủ lực về mảng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết sản lượng khách đi xe buýt đã có chiều hướng tăng trưởng trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, sản lượng khách vé lượt quý 3/2023 tăng 10,4% so với quý trước đó và tăng 6,2% so với quý 1/2023. Lũy kế chín tháng vừa qua, lượt khách trên các tuyến buýt của Transerco tăng 42% so với cùng kỳ năm trước (trong đó sản lượng khách vé lượt tăng 19%, sản lượng khách vé tháng tăng 49%).

Sản lượng hành khách đi xe buýt tăng lên trong chín tháng của năm 2023. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Có được kết quả tăng trưởng này, ông Nam lý giải, Transerco đã đồng bộ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút hành khách đi xe buýt như điều chỉnh hợp lý hoá lộ trình, tăng cường kết nối mạng lưới nhiều tuyến xe buýt; điều chỉnh biểu đồ hoạt động 28 tuyến cho phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của hành khách; Phối hợp khắc phục, xử lý 68 điểm dừng đỗ xe buýt bị hư hỏng, mất an toàn giao thông.

[Buýt Hà Nội: Sản lượng khách phục hồi chậm, doanh thu bán vé sụt giảm]

Transerco đã đẩy mạnh công tác bảo dưỡng sửa chữa, quản lý kỹ thuật, chất lượng đoàn phương tiện khi ra tuyến hoạt động phải đảm bảo chất lượng về kỹ thuật, hình ảnh, các thiết bị công nghệ theo xe hoạt động ổn định, an toàn.

Mặt khác, Transerco cũng ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành xe buýt; tăng cường kiểm soát các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ, phương tiện; thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới phong cách, xây dựng hình ảnh đội ngũ nhân viên phục vụ trên xe buýt “thân thiện, tận tụy và nhiệt tình” gần gũi với khách.

“Nhìn chung, trong chín tháng đầu năm nay, hoạt động xe buýt cơ bản được điều hành ổn định, sản lượng hành khách đi xe buýt tăng lên, chất lượng dịch vụ cải thiện tích cực, được kiểm soát theo mục tiêu đề ra,” ông Nam đánh giá.

Giảm tình trạng tùy tiện bỏ dừng điểm đỗ

Khẳng định chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể, lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (HPTC) chỉ ra thực tế tình trạng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ vận hành đã giảm đáng kể so với trước.

“Hệ thống xe buýt Thủ đô được tăng cường về số lượng, chất lượng. Các xe cũ bị loại bỏ hoàn toàn, thay thế và bổ sung bằng các phương tiện có chất lượng, trên 90% số phương tiện có tuổi dưới 10 năm. Nhà chờ xe buýt cũ xuống cấp cũng được duy tu sửa chữa và bổ sung nhằm phục vụ hành khách tốt nhất,” lãnh đạo HTPC nói.

[Chất lượng dịch vụ vận tải xe buýt Hà Nội ngày càng được cải thiện]

Đưa ra lộ trình giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Nam cho biết Transerco tiếp tục khảo sát, đề xuất hợp lý hoá lộ trình, tránh các điểm ùn tắc, tăng kết nối và mở rộng vùng phục vụ; đề xuất khắc phục tồn tại, bất cập tại các điểm dừng để tạo thuận tiện cho hành khách và bảo đảm điều kiện cho xe buýt hoạt động; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ; đẩy mạnh công tác bảo dưỡng sửa chữa, quản lý kỹ thuật, chất lượng đoàn phương tiện…

Tổng công ty Vận tải Hà Nội luôn quan tâm đến chất lượng đoàn phương tiện xe buýt khi ra tuyến vận hành. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Song song đó, Transerco tiếp tục triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cung cấp thêm tiện ích cho hành khách và hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành xe buýt; khai thác có hiệu quả các số liệu thông qua hệ thống giám sát hành trình để ngăn ngừa và xử lý kịp thời các nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận hành.

Trước bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biễn phức tạp, khó lường khiến các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, Tổng công ty Vận tải Hà Nội sẽ triển khai linh hoạt phương án sản xuất kinh doanh, tăng cường khai thác, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các phương tiện đã đầu tư, tiết kiệm triệt để chi phí, giữ ổn định và bảo toàn vốn Nhà nước của Tổng công ty tại các đơn vị.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ triển khai tổ chức giao thông hợp lý; phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân; xây dựng hệ thống giao thông thông minh; xây dựng văn hóa giao thông.../.

Hà Nội hiện đang khai thác 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.

Mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 70%; 33/37 khu đô thị đạt 89%.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục