Việc xây dựng các nhà máy thủy điện tràn lan đã và đang trở thành “hội chứng quốc gia” với những hậu quả rất khó lường.
Theo phân tích của tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các tỉnh miền núi, nơi có tiềm năng thủy điện lớn, đang bị cuốn vào “hội chứng quốc gia” về phát triển tràn lan thủy điện, trở thành những trung tâm phát điện khổng lồ nhưng hậu quả phải đánh đổi rất lớn.
Việc phát triển thủy điện bừa bãi không theo quy hoạch quốc gia thống nhất dẫn đến rừng bị hủy hoại, các con sông khô cạn, lũ lụt bất thường kèm theo nhiều rủi ro và nguy cơ đe dọa đời sống của nhiều người dân.
Một minh chứng cụ thể là tỉnh Gia Lai, nơi được đánh giá có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện. Hiện Gia Lai là một trong những tỉnh có nhà máy thủy điện nhiều nhất nước. Tính đến nay, cả tỉnh mới có 21 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đi vào vận hành, nhưng trong những năm tới, sẽ có ít nhất 92 công trình thủy điện nữa hiện hữu trên địa bàn.
Đặc biệt, trên lưu vực sông Ba có tới 65 bậc thang thủy điện trên dòng chính và chi, nhánh thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai. Người ta đã hình dung trong tương lai không xa sông Ba sẽ biến mất, nhường chỗ cho ít nhất 65 hồ chứa thủy điện đặt cạnh nhau.
So với các tỉnh Duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, Quảng Nam hiện đứng đầu về số lượng công trình thủy điện với 62 dự án đã được phê duyệt, trong đó có 47 dự án đã thực hiện. Trong số này có những công trình báo động về mức độ hủy hoại môi trường và nguy cơ đe dọa cuộc sống của người dân như khu vực Thủy điện Sông Tranh liên tiếp xảy ra động đất, còn Thủy điện A Vương gây ra thảm họa mất rừng và xả lũ chồng lên lũ.
Đi dọc các tỉnh miền Trung, dễ dàng nhận thấy những “túi nước” khổng lồ treo trên đầu hàng triệu người dân, nhất là vào mùa mưa lũ, trong đó 4 tỉnh gồm Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và hai tỉnh ở Tây Nguyên là Kon Tum, Đắk Nông có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ.
Tỉnh Lào Cai cũng có tới 123 nhà máy thủy điện. Nhưng “nổi tiếng” nhất là 5 công trình thủy điện nằm trên thung lũng Mường Hoa. Năm nhà máy thủy điện này đã xé nhỏ danh thắng du lịch quốc gia Sa Pa và khiến Bãi đá cổ Sa Pa - di tích quốc gia đang được đề nghị UNESCO xếp hạng là di sản thiên nhiên thế giới, đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Đề cập đến những hậu quả do xây dựng tràn lan các nhà máy thủy điện, ông Lê La Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị nhận xét: “Cứ ở đâu có nhà máy thủy điện là người dân đều khổ. Người dân mất đất, Nhà nước mất rừng. Đời sống nơi tái định cư thiếu thốn đủ thứ, kể cả điện chiếu sáng. Trong khi đó, đến mùa mưa lũ thì chính họ cũng là người hứng chịu những “túi nước” do chính các nhà máy thủy điện xả xuống”./.