Xuất phát từ nhu cầu cao về dữ liệu viễn thám có độ phân giải siêu cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng an ninh, Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết đầu năm 2022 sẽ xây dựng thêm một trạm thu thu nhận dữ liệu viễn thám ra đa và quang học độ phân giải siêu cao.
Trạm thu nhận dữ liệu viễn thám ra đa và quang học độ phân giải siêu cao từ các vệ tinh của Ấn Độ trên sẽ được xây dựng tại Cục Viễn thám quốc gia, 79 Văn Tiến Dũng, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về việc xây dựng trạm thu trên, ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết ảnh viễn thám độ phân giải siêu cao hiện nay có kích thước khá nhỏ, thường là dưới 20km. Vì thế, nếu sử dụng một loại vệ tinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ trên một khu vực rộng lớn và đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp.
[Tiến tới giám sát bãi rác thải trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám]
Tại Việt Nam, việc phát triển vệ tinh và chùm vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao đang gặp nhiều khó khăn do giá thành của mỗi vệ tinh khá đắt và nước ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong chế tạo, vận hành loại vệ tinh này. Vì thế, phương án khả thi trong điều kiện hiện nay là nâng cấp trạm hiện có hoặc phát triển thêm hệ thống trạm mặt đất mới để thu dữ liệu viễn thám độ phân giải siêu cao từ các vệ tinh của nước ngoài.
Cũng theo ông Khánh, Viêt Nam hiện mới chỉ có duy nhất một trạm thu tại Hà Nội được xây dựng từ năm 2007, đã được nâng cấp để thu ảnh VNREDSat-1, SPOT 6/7 và dự kiến trong năm 2022 sẽ nâng cấp để thu ảnh ra đa CosmoSkymed của Italia (đất nước có nền khoa học công nghệ vũ trụ phát triển, trong đó có các hệ thống viễn thám với nhiều đặc tính ưu việt, đặc biệt là trong giám sát tài nguyên và môi trường).
Tuy nhiên, công nghệ của trạm thu hiện có khá lạc hậu và đã sử dụng thời gian dài nên khó có thể đáp ứng việc nâng cấp để thu các thế hệ vệ tinh mới tiếp theo. Do đó, phát triển các trạm thu mới, có tính năng hiện đại nhằm thu được một số loại vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao khác nhau là một nhu cầu cấp bách.
Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 cũng đã đặt ra mục tiêu “Xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh;” trong đó có nhiệm vụ cụ thể là “xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển; hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám để cung cấp dữ liệu viễn thám cho các bộ, ngành, địa phương.”
Vì thế, đề xuất hợp tác với Ấn Độ trong việc xây dựng trạm thu tại Hà Nội để thu nhận dữ liệu viễn thám ra đa và quang học độ phân giải siêu cao từ các vệ tinh của Ấn Độ trước hết là đáp ứng nhu cầu thực tế ngày càng tăng ở trong nước phục vụ giám sát tài nguyên, môi trường, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh.
"Việc xây dựng trạm thu trên tại Hà Nội từ các vệ tinh của Ấn Độ cũng là cơ hội để góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật của Cục Viễn thám quốc gia trong thời gian tới," ông Khánh nhấn mạnh./.