Xảy ra hơn 1.000 trận thiên tai trong sáu tháng đầu năm 2023

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết để đảm bảo an toàn cho người và nhà ở trong mùa mưa bão, các địa phương cần tăng cường phổ biến, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thiên tai.
Xảy ra hơn 1.000 trận thiên tai trong sáu tháng đầu năm 2023 ảnh 1Hình ảnh sạt lở xảy ra ở Cao Bằng vào đầu năm 2017. (Ảnh minh họa: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngày 11/7, đại diện Bộ Xây dựng cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 1.072 trận thiên tai thuộc 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần).

Theo Luật phòng chống thiên tai năm 2013, thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế-xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, động đất và các loại thiên tai khác.

Trước thực tế trên, thực hiện Công điện số 591/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6/2023 về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng (xảy ra trước đó cùng ngày) và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ, Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2023.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương theo 4 tài liệu hướng dẫn về: Nhà an toàn phòng, chống bão lũ; phân loại nhà an toàn; khuyến cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình; quy trình kiểm định các công trình anten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh-truyền hình.

[Sạt lở kinh hoàng trong đêm tại Đà Lạt, nhiều người bị vùi lấp]

Đối với công tác quy hoạch, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; xác định mức độ ảnh hưởng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực.

Các địa phương cảnh báo và chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng bởi bão mạnh, siêu bão, các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; từng bước di dời dân cư đến khu vực an toàn theo quy hoạch.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố rà soát hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.

Đối với công trình đang thi công xây dựng, các địa phương cần phải lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận.

Với các cột điện ly tâm bê tông cốt thép, các địa phương yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng đối với các trường hợp không đảm bảo chất lượng, nghiêng hoặc sai với thiết kế ban đầu; đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trong mùa mưa bão.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, kiểm định an toàn hồ đập đối với các công trình hồ đập trước mùa mưa bão; kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục