Xây nhà máy chế biến gỗ hiện đại nhất Đông Nam Á

Ngày 19/2, tại Nghệ An, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF.
Ngày 19/2, tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF.

Đây là nhà máy được thực hiện bởi sự tư vấn đầu tư của Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á và là nhà máy chế biến gỗ và ván sợi hiện đại nhất Đông Nam Á, được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Xây dựng nhà máy chế biến gỗ và phát triển rừng bền vững tại Nghệ An” với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD.

Dự án bao gồm nhà máy chế biến gỗ thanh công suất 8.800 m3/năm, vốn đầu tư 150 triệu USD và nhà máy chế biến ván sợi MDF công suất 400.000 m3/năm, vốn đầu tư 350 triệu USD.

Với thiết bị, công nghệ và quy trình quản lý hiện đại, nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF là mô hình điểm về phát triển kinh tế rừng bền vững, kết hợp với việc bảo vệ và cải thiện môi trường, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo môi trường sinh thái, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân tại các huyện phía Tây Nghệ An, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách cho tỉnh Nghệ An.

Điểm nổi bật của nhà máy là sự kết hợp giữa công nghệ chế biến gỗ thanh và ván sợi MDF; sử dụng nguyên liệu là những phần có giá trị nhất của cây gỗ và các phụ phẩm còn dư lại trong quá trình chế biến gỗ thanh để tạo thành các tấm ván sợi chất lượng cao. Phương pháp này cho phép sử dụng gần như tất cả các phần của cây gỗ, nhờ đó tối ưu hóa nguồn nguyên liệu.

Cũng nhờ áp dụng các công nghệ tiên tiến và sử dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại, các sản phẩm gỗ của nhà máy sẽ có chất lượng đẳng cấp thế giới, có thể cạnh tranh ở các thị trường Mỹ, Nhật, EU.

Với phương châm sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, dự án lựa chọn các đối tác có kinh nghiệm và uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến gỗ như: Công ty Diffenbacher của Đức, hiện là công ty số một của thế giới về thiết bị chế biến gỗ; Công ty về thiết kế NewCC đến từ Nhật Bản và đơn vị quản lý dự án là Bureau Veritas (Pháp)

Ngoài chất lượng vượt trội của sản phẩm, nhà máy còn có khả năng tiết kiệm năng lượng và mức độ xanh, sạch và thân thiện với môi trường.

Sự ra đời của nhà máy còn là bước đột phá trong tư duy phát triển kinh tế rừng trong bối cảnh tại Nghệ An và nhiều địa phương khác.

Tại các địa phương này, rừng được khai thác chủ yếu để băm dăm thành nguyên liệu thô, giá trị kinh tế thu được từ việc xuất khẩu gỗ băm dăm không tương xứng với công sức của người trồng rừng. Hiện nay, người được hưởng lợi lớn nhất lại là các cơ sở nhập khẩu và chế biến gỗ của Trung Quốc.

Ngoài ra, đa số các cơ sở chế biến gỗ trong nước hiện đang sử dụng công nghệ và dây chuyền không đồng bộ, có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Đài Loan, gây tiêu hao nhiều nguyên liệu và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo kế hoạch, giai đoạn một của nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong quý 1/2014; giai đoạn 2 của dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017./.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục