Xây hồ chứa nước 'trên đầu' khu dân cư tiềm ẩn tai họa khôn lường

Liên quan đến vụ vỡ hồ chứa nước ở Nha Trang, chuyên gia cho rằng việc quy hoạch xây dựng “bom nước” trên núi trong khi dân cư ở dưới đường thoát lũ là mối tai họa cần phải xem xét lại.
Xây hồ chứa nước 'trên đầu' khu dân cư tiềm ẩn tai họa khôn lường ảnh 1Khu vực thôn Thành Phát và Phước Sơn, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang bị sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp trong đất đá. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Liên quan đến sự cố vỡ hồ chứa nước nhân tạo ở phường Vĩnh Hòa (Nha Trang, Khánh Hòa) làm “bom nước” bất ngờ ập xuống khiến 4 người dân tử nạn và hàng chục ngôi nhà sập đổ, chuyên gia cho rằng việc xây hồ chứa nước trên đầu khu dân cư là mối tai họa cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng việc quy hoạch xây dựng “bom nước” trên núi cao, trong khi dân cư ở dưới đường thoát lũ là việc làm sai lầm.

“Thử hỏi, nếu như không vỡ hồ chứa nước nhân tạo ‘treo’ trên núi, liệu sạt lở có xảy ra như các điểm khác trong thành phố Nha Trang và mức độ ảnh hưởng có nghiêm trọng đến mức sập nhà, chết người nặng nề như vậy?,” ông Hồng nói.

Phân tích rõ hơn về nguyên nhân dẫn tới sự cố trên, ông Hồng cho rằng cái bất cập ở đây là hồ nước nhân tạo này lại được “treo” ở trên cao, khu dân cư ở dưới và cũng không có một cái kế hoạch phòng chống thiên tai gì cho khu dân cư này.

Theo nguyên tắc, nếu hồ nằm trên đầu, trên đỉnh dốc thì phải coi đó là tai họa. Tất cả các hồ chứa thủy lợi xây ở trên cao, bao giờ ở dưới hạ du cũng phải coi đó là vùng chịu hậu quả khi không may xảy ra sự cố vỡ hồ chứa, hay khi xả lũ lớn.

[Khánh Hòa: Chủ động điều tiết nước ở các hồ chứa trong mùa mưa bão]

Trong trường hợp hồ nhân tạo ở Nha Trang, dù dung tích hồ chứa chỉ có khoảng 400m3 nước nhưng khi vỡ hồ thì nước ở trên cao đổ xuống, tác động cũng không hề nhỏ và nhà dân ở dưới chắc chắn bị ảnh hưởng.

Đề cập đến trách nhiệm để xảy ra sự cố, ông Hồng cho rằng lỗi ở đây là làm các nhà dân trên đường thoát lũ. Vì thế, Chi cục Phòng chống thiên tai địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn bà con cách ứng phó, phòng tránh nguy hiểm.

“Ở đây, cũng phải thừa nhận là cách phòng chống thảm họa của Tổng cục phòng chống thiên tai còn kém. Quy định là phải phòng chống thiên tai những chỗ có nguy cơ sạt lở đất. Vậy thế nào nguy cơ xảy ra lũ quét, chỗ nào sạt lở đất thì lại không chỉ ra được, huống chi lại vác cả cái hồ trên đầu. Tôi cho đó là điều sai lầm,” ông Hồng chia sẻ.

Ông Hồng cũng kiến nghị, quy hoạch dân cư cần đưa vào mục phòng chống thiên tai. Chỗ nào có vùng núi cao, có chân núi cao, nằm ở ven biển thì đều có thể gây ra mưa lớn. Điều quan trọng nữa là tổ chức cộng đồng, khi vào mùa thiên tai thì tất cả đều phải trong tư thế sẵn sàng phòng chống, từ vấn đề dự báo, cảnh báo đến sơ tán người dân.

“Thực tế trên chứng tỏ Khánh Hòa xử lý kém. Đang mùa mưa lũ, phải quan tâm tình hình, khi thấy mưa lớn và dự đoán khả năng hồ nước sẽ đầy thì phải kêu gọi, sơ tán dân cư. Nếu làm được như vậy thì chắc chăn thiệt hại đã không lớn như thực tế đã xảy ra,” ông Hồng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục