Trước tình hình đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp và kéo dài, nhiều địa phương có giải pháp linh hoạt, phù hợp để xây dựng, bảo vệ và từng bước mở rộng các “vùng xanh” (vùng bình thường mới, an toàn dịch bệnh) và thu hẹp các “vùng đỏ”(vùng có nguy cơ rất cao bùng phát dịch).
Mục tiêu “xanh hóa” bản đồ COVID-19
Tại các tỉnh, thành phố phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, việc xây dựng, mở rộng “vùng xanh” đang được thực hiện với nhiều giải pháp.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố xác định giảm cấp độ màu tùy theo từng địa phương để tiến tới “xanh hóa” bản đồ COVID-19 của toàn thành phố, tức là giảm mức nguy cơ từ rất cao trở về mức bình thường mới.
Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đồng loạt triển khai giải thu hẹp “vùng đỏ,” mở rộng dần các “vùng xanh.”
Theo Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức, để dập dịch, xây dựng vùng xanh - vùng an toàn, các phường của thành phố xác định vùng nguy cơ cao, sau đó khoanh vùng và xét nghiệm tìm các trường hợp F0 liên quan để điều trị.
Bên cạnh đó, thành phố triển khai tiêm chủng vaccine cho người dân, thiết lập vùng an toàn, đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố Thủ Đức chọn 9 phường được coi là “điểm nóng” với số ca mắc COVID-19 cao và hiện còn có nhiều khu phong tỏa, khu cách ly y tế để thực hiện trước tiên.
Điển hình như phường Trường Thạnh, tính đến thời điểm ngày 8/8 đã ghi nhận trên 250 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 105 trường hợp đã được xuất viện.
[Dịch COVID-19: Kiềm chế nhu cầu cá nhân, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan]
Để xây dựng, từng bước mở rộng “vùng xanh,” phường Trường Thạnh thiết lập 21 “vùng xanh” là khu vực, tuyến hẻm, cụm dân cư, tổ dân phố an toàn, không còn COVID-19 để bảo vệ an toàn người dân.
Theo ông Hồ Ngọc Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Trường Thạnh, các lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch.
Các địa bàn không còn ca F0 hoặc đã qua 7 ngày trở lên không xuất hiện ca mắc mới sẽ triển khai thiết lập ”vùng xanh”, bảo đảm giám sát người dân tuân thủ đúng các quy định của Chỉ thị 16, kiểm tra chặt người ra-vào khu vực.
Người dân trên địa bàn ra ngoài để mua thức ăn theo lịch phân bổ trong tuần và đi tiêm chủng thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và các biện pháp giãn cách.
Tỉnh Bình Dương - địa phương liền kề tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh và có số ca mắc cao trong những ngày gần đây đã ban hành kế hoạch xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19, phấn đấu đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1/9.
Cụ thể, để xây dựng các “vùng xanh”, thực hiện trạng thái bình thường mới, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp như: xác định rõ khu vực nguy cơ, lấy mẫu xét nghiệm với tần suất và đối tượng được chọn tùy theo khu vực được phân loại với tinh thần tận dụng “thời điểm vàng,” “làm đến đâu sạch đến đó,” tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương tổ chức tiêm vaccine trước mắt ưu tiên cho người dân sinh sống, làm việc ở các khu vực được xác định là “vùng xanh” ở khu vực phía Nam của tỉnh, người dân ở các khu vực tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, công nhân lao động của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch và có nhu cầu sản xuất sớm, sản xuất hàng hóa quan trọng có giá trị cao góp phần cung cấp cho các chuỗi cung ứng…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, tỉnh đang thực hiện quyết liệt hơn các biện pháp giãn cách xã hội để tranh thủ “thời gian vàng”, triển khai nhanh công tác sàng lọc nhiều lần nhằm đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, doanh nghiệp.
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương quyết liệt bảo vệ các “vùng xanh” khoanh chặt các “vùng đỏ” tiếp tục xét nghiệm sàng lọc tìm F0, quyết tâm đưa tỉnh trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1/9.
Nêu cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân
Để từng bước thực hiện mục tiêu “xanh hóa” bản đồ COVID -19 tại từng tỉnh, thành phố, trước hết mỗi khu dân cư, tổ dân phố, mỗi xã, phường phải tạo được những “vùng xanh” bền vững và mỗi người dân cũng chính là một người bảo vệ tự nguyện giữ vững “vùng xanh” cho địa bàn mình sinh sống.
Một số thành viên tại các chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh” chia sẻ, có những khu dân cư đông, nhiều ngõ ngách, khi mới lập chốt với mục địch giữ cho địa bàn không có ca mắc COVID-19 thì một số hộ dân còn băn khoăn, cho là “lích kích,” phiền phức.
Nhưng sau khi được giải thích là để giữ cho chính căn nhà, khu vực mình sinh sống được an toàn dịch bệnh thì nhiều người đã hiểu và tự giác chấp hành.
Theo anh Hồ Đại Thành, thành viên một Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng ở phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức), khi lập chốt bảo vệ “vùng xanh" ở từng khu dân cư, hẻm phố, sự đồng thuận của người dân là rất quan trọng.
Mỗi người có ý thức chấp hành tốt, cảnh giác trước các nguy cơ lây bệnh sẽ tạo thuận lợi cho các thành viên tổ công tác thực hiện nhiệm vụ được thông suốt, thuận lợi.
Người dân kịp thời thông tin đến các thành viên của tổ về các biểu hiện bất thường về sức khỏe hay các trường hợp ra-vào không khai báo y tế hay không chấp hành việc giao nhận hàng hóa ngay trước khu vực chốt hoặc không thực hiện khử khuẩn hàng hóa trước khi nhận.
Ngoài ra, nhiều hộ ở các hẻm, chung cư còn tự nguyện sắp xếp để giảm số lần ra ngoài đi mua thực phẩm trong thời gian giãn cách từ 2 lần/tuần xuống còn 1 lần/ tuần.
Anh Phạm Minh An ở phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết: Hai vợ chồng anh đều làm công nhân, thuê căn nhà trọ tại phường Bình Chuẩn đã lâu.
Dù công ty đang tạm thời cho nghỉ ở nhà, nhận lương tạm nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song vợ chồng anh không về quê Nghệ An mà ở lại và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, hy vọng sớm được đi làm trở lại.
Theo anh An, xây dựng “vùng xanh” để công nhân sớm được đi làm trở lại, khu nhà trọ được an toàn dịch bệnh là điều ai cũng mong muốn.
Vì vậy, các gia đình công nhân trong khu nhà trọ đều tự giác thực hiện cách ly giữa hộ gia đình với hộ gia đình, không sang nhà nhau giao lưu, không tụ tập tiếp xúc ở khu vực hành lang dãy nhà.
Từng hộ tích cực giữ gìn vệ sinh khu vực nhà ở, đi mua thực phẩm theo đúng lịch ghi trên phiếu phát của tổ dân phố./.