Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây tại Đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã lập kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu trái cây, phát triển một trong 3 thế mạnh của vùng, được Thủ tướng chính phủ chỉ đạo tại “Hội nghị Diên Hồng."
Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Nông dân trồng nhãn. (Nguồn: TTXVN)

Trái cây hiện là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu cao cho Việt Nam. Thế nhưng, sản lượng trái cây nguyên liệu đạt chất lượng cao lại không nhiều và chỉ sản xuất rải rác, chưa tập trung với diện tích lớn để tạo điều kiện cho việc thu mua và vận chuyển.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành này, nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã lập kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu trái cây, phát triển một trong 3 thế mạnh của vùng, được Thủ tướng chính phủ chỉ đạo tại “Hội nghị Diên Hồng” tháng 9/2017.

Bài 1: Chủ động vùng nguyên liệu tập trung

Trái cây Việt Nam hiện đã có mặt khắp 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, những thị trường tiêu thụ trái cây Việt Nam lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Indonesia...

Trong số các loại trái cây Việt Nam, cũng đã có 5 loại được thị trường Mỹ chấp thuận nhập khẩu với số lượng lớn như thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa.

Ngoài ra, nhiều thị trường khu vực châu Á còn ưa chuộng các loại trái cây nhiệt đới khác như mận, ổi, chuối... Thế nhưng, vùng nguyên liệu lớn cho một loại trái cây lại chưa có. Vì vậy, để tăng lợi thế cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng như cho trái cây Việt Nam, chủ động vùng nguyên liệu trái cây sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Quy hoạch tập trung để cấp mã số vùng trồng

Trước lợi thế trái cây Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới đón nhận cho thấy, ngành trái cây Việt Nam có thêm nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt là vùng nguyên liệu tập trung, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất áp dụng đúng quy trình chuẩn của quốc tế, vừa giúp doanh nghiệp giảm nhiều chi phí trong thu mua, vận chuyển, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo ông Huỳnh Quang Đấu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần rau quả, thực phẩm An Giang (Antesco), Antesco đã đưa được 70 sản phẩm trái cây Việt Nam đi khắp các thị trường thế giới, với sản lượng hơn 12.000 tấn mỗi năm, vào các thị trường "khó tính" như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Để có được sản lượng này, Antesco đã thu mua nguyên liệu của nông dân khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng, nguồn nguyên liệu này lại không ổn định, được sản xuất rải rác, làm cho tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình thu gom.

Mặc dù lượng trái cây hao hụt này được tái sản xuất, nâng cao giá trị nhưng vẫn không bằng sản phẩm trái cây chất lượng cao. Chính vì thế, ngoài lợi thế giá trị, nếu đẩy mạnh phát triển lợi thế vùng trồng cho mỗi loại trái cây nhất định, thì trái cây Việt có thể đi xa hơn so với hiện nay.

Trước nhu cầu này của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trái cây, nhiều địa phương của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre... đã thực hiện quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu trái cây, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

[Triển vọng xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt kim ngạch 10 tỷ USD]

Bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết Bến Tre cũng đã xây dựng và cấp mã số vùng nguyên liệu cho hai loại trái cây chủ lực của tỉnh là dừa hữu cơ (3.000ha) và bưởi da xanh theo hướng hữu cơ (6.000ha).

Với vùng nguyên liệu này, nông dân được liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp như: Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến dừa Lương Quới, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre...

Với chuỗi liên kết này, sản phẩm được sản xuất đúng quy trình kỹ thuật và thu mua cao hơn giá thị trường 10%, đầu ra được ổn định.

Vừa qua, thành phố Cần Thơ cũng đã quy hoạch vùng trồng 700 ha các loại trái cây nhãn, xoài, vú sữa, sầu riêng... phục vụ cho xuất khẩu.

Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 17.000ha sản xuất trái cây; trong đó, xoài 2.700ha, chuối và vú sữa mỗi loại hơn 1.300ha, nhãn Ido hơn 1.800ha. Diện tích này đã cho sản lượng hơn 100.000 tấn mỗi năm, phục vụ cho xuất khẩu và cả tiêu dùng trong nước.

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều vùng nguyên liệu trái cây được quy hoạch tập trung như: Tiền Giang gần 70.600 ha, Vĩnh Long gần 42.000 ha, Hậu Giang trên 30.740 ha, Sóc Trăng trên 28.000 ha, Bến Tre gần 28.000 ha và Đồng Tháp gần 23.000 ha đã được cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.

Gần đây nhất, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 16 mã vùng trồng mới cho Tiền Giang và 2 mã cho Cần Thơ. Việc các địa phương tiến hành quy hoạch vùng trồng tập trung cho trái cây sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân sản xuất, cũng như doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

"Kết dính" để phát triển

Việc xây dựng vùng nguyên liệu cho trái cây chất lượng, xuất khẩu có thể dễ dàng thực hiện khi giá thị trường tăng, nhu cầu tiêu thụ của thế giới mạnh.

Nhưng để duy trì vùng nguyên liệu lâu dài, tránh sự phá vỡ cấu trúc vùng, chính nông dân và doanh nghiệp, cũng như chính quyền địa phương cần “kết dính” lợi ích, gắn họ lại với nhau thì mới bền vững.

Mối liên kết sản xuất của nông dân và doanh nghiệp vốn đã được đặt ra từ lâu, nhưng có thể duy trì lâu dài hay không, phụ thuộc vào lợi ích mỗi thành viên nhận được.

Theo giáo sư-tiến sỹ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Sài Gòn, khi thực hiện liên kết, doanh nghiệp đã ký kết với nông dân thu mua sản phẩm với giá cố định, nhưng trong trường hợp thị trường nhập khẩu ký đơn hàng nhiều hơn với giá cao hơn, chính doanh nghiệp phải biết chia sẻ lợi ích ngược cho nông dân.

Đây là động lực để nông dân duy trì sản xuất, liên kết lâu dài với doanh nghiệp. Bởi, các sản phẩm nông sản thường đi theo chu kỳ: cầu vượt cung sẽ làm cho nông dân gia tăng sản xuất, còn cung vượt cầu thì chính nông dân chịu thiệt hại và giảm sản xuất.

Khi nông dân thiệt hại mà thiếu sự chia sẻ của doanh nghiệp thì vùng nguyên liệu dù đạt chất lượng cao cũng có nguy cơ bị phá vỡ để chuyển đổi sản xuất.

Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Vườn thanh long đã đến kỳ thu hoạch. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Bên cạnh đó, chính nông dân cũng phải tự "kết dính" với nhau để cùng chia sẻ kỹ thật sản xuất, thông tin thị trường. Có như vậy, những nông dân sản xuất cùng một sản phẩm mới đoàn nhất, thống nhất giá bán trong trường hợp nguồn cung quá lớn, tránh bị trương lái ép giá. Khi nông dân đoàn kết một lòng thì sản phẩm tạo ra sẽ luôn được thu mua với giá tốt.

Để làm được điều này, chính quyền địa phương là cầu nối để gắn kết nông dân với nhau. Theo ông Nguyễn Đình Mười, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vina T&T, khi nông dân tự liên kết với nhau cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu.

Ước tính, mỗi tháng Vina T&T hơn 30 tấn thanh long sang Mỹ và nhiều sản phẩm khác như trái dừa tươi, sầu riêng đóng hộp.

Vì vậy, để từng quả thanh long có chất lượng đồng đều, các vườn thanh long phải được chăm sóc đúng một quy trình. Khi nông dân đồng lòng, họ tự tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho nhau, thống nhất giá để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong thu mua cũng như phân loại sản phẩm.

Ngược lại, những chi phí giá thành được cắt giảm của doanh nghiệp lại được sử dụng để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân sản xuất, cung cấp thông tin và yêu cầu thị trường kịp thời, giúp nông dân cùng doanh nghiệp thích ứng thị trường nhanh chóng. Việc san sẻ lợi nhuận như vậy sẽ tạo nên chất kết đính vững chắc hơn nữa cho các thành viên tham gia vào chuỗi sản xuất trái cây hiện nay./.

Đón đọc bài 2: Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây: Giữ vững thị trường nội địa

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục