Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn quốc tế

Việc hình thành và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn là rất cần thiết, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu.
Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn quốc tế ảnh 1Tọa đàm về Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn quốc tế. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Nằm trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect năm 2022, chiều 24/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế.

Hội thảo với mục tiêu tìm ra giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu bền vững theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến, xử lý được bài toán được mùa mất giá và tạo lợi thế vùng trồng diện tích lớn để nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thời gian qua, Cần Thơ và nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng những lợi thế để đưa ra chính sách xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhiều vùng nguyên liệu đã dần hình thành.

[Phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn để gạo Việt thành công tại EU]

Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu chưa được tổ chức và quản trị tốt, hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Việc hình thành và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn là rất cần thiết, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp hiện nay.

Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng mã số vùng trồng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn vì tập quán sản xuất, bán buôn của nông dân.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn nhập khẩu, thì nhận được tín hiệu đáng mừng từ sở, ban ngành, nông dân nhận thức phải gia nhập hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu lớn mới xuất khẩu được.

Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn quốc tế ảnh 2Các tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long ký kết với các doanh nghiệp về nội dung xúc tiến thương mại-kết nối thị trường và triển lãm sản phẩm đặc trưng. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bà Ngô Tường Vy cho biết theo các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu xây dựng mã số vùng trồng là tiêu chuẩn cơ bản mới đáp ứng yêu cầu. Vì thế cần sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu xây dựng mã số vùng trồng là điểm trọng yếu để có thể bán được sản phẩm. Nông dân không nên suy nghĩ xây dựng mã số vùng trồng để bán được giá bao nhiêu mà đây là điều bắt buộc.

"Ngoài chuyện có mã số vùng trồng, đáp ứng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì yếu tố quan trọng là chuỗi liên kết (sản phẩm bán cho doanh nghiệp, cơ sở đóng gói). Liên kết chuỗi không chỉ là hình thức giao thương "thuận mua, vừa bán" mà liên kết chuỗi là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu," bà Tường Vy nhận định.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước, có sức hút và sức lan tỏa lớn.

Các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh đầu tư ra các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long góp phần quan trọng và phát triển của vùng và các địa phương trong cả nước.

Mặc dù, nhu cầu nguyên liệu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất, chế biến rất lớn nhưng các doanh nghiệp không thể đặt hàng được nông dân do nông dân bán theo giá thị trường.

Đưa giải pháp thúc đẩy kết nối hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản bền vững giữa thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ cùng các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các địa phương nên kết hợp doanh nghiệp hình thành vùng trồng nguyên liệu theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn doanh nghiệp cần.

Cũng theo bà Lý Kim Chi, hiện nay chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nhiều đề án, giải pháp cho vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến lương thực, thực phẩm; trong đó có Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025 với sự tham gia của 13 tỉnh, thành cả nước (trong đó có 4 tỉnh, thành thuộc mạng lưới ABCD - An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp).

Theo Đề án, từ năm 2022-2023 sẽ hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô mở rộng thêm 5 trung tâm sơ chế.

Tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn còn thiếu sót việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung hướng đến vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, nếu thành phố Hồ Chí Minh muốn kết nối với Cần Thơ cũng không thể biết được nguyên liệu, sản phẩm dư trữ trong dân để doanh nghiệp chủ động liên kết.

Không có cơ sở dữ liệu dùng chung thì nguyên liệu, nông sản trồng được rơi vào tình trạng mất cung-cầu.

Vì thế, bà Lý Kim Chi đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nên đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Văn phòng Điều phối Nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

Khi hệ thống cơ sở dữ liệu được thành lập góp phần quan trọng cho khâu cung ứng và sản xuất, các doanh nghiệp, nông dân sẽ tiếp cận được thị trường, sản phẩm.

Đối với thành phố Cần Thơ, xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm nông sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, các nhà vận chuyển, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022 đề cập đến việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm) là một hướng đi mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết Trung tâm bao gồm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản mang tính dẫn dắt, định hướng công nghệ, thúc đẩy sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng, định vị thương hiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, khai thác những lợi thế từ nền kinh tế số, mạng xã hội và phương tiện truyền thông khác, tích hợp đa phương thức vận tải... để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ” sẽ được hình thành.

Với những giải pháp mà các doanh nghiệp, chuyên gia đưa ra tại hội thảo cùng với việc hình thành Trung tâm tại thành phố Cần Thơ, thời gian tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng được những vùng nguyên liệu nông sản đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục