Xây dựng vùng đầm phá thành trung tâm kinh tế biển phát triển

Để trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, Thừa Thiên-Huế tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp.
Một góc vịnh Lăng Cô. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2020-2030, Thừa Thiên-Huế xác định phát huy tiềm năng, lợi thế vùng biển, đầm phá của tỉnh và các nguồn nội lực, tranh thủ và tận dụng tối đa, khai thác hiệu quả các nguồn ngoại lực; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong nước và quốc tế để xây dựng vùng biển, đầm phá của tỉnh thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước.

Để trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, Thừa Thiên-Huế tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp.

Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng ngày càng hoàn thiện, nhất là các dự án lớn có tính đột phá, lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng.

Đáng chú ý, tỉnh đã có các dự án đầu tư về giao thông kết nối vùng, dự án đường ven biển; dự án hạ tầng khu du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng văn hóa, du lịch trên địa bàn; các dự án thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp, hậu cần nghề cá.

Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô thu hút nhiều dự án lớn, có dự án hàng nghìn tỷ đồng. Dự án Laguna vừa tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD, bao gồm nâng số phòng lưu trú lên khoảng 5.000 phòng và đưa vào khai thác casino sau năm 2020; một số dự án đã đi vào hoạt động như khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải; khởi công khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Cảng Chân Mây được đầu tư mở rộng bến số 2,3 nâng cao năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa. Khách du lịch bằng đường tàu biển tăng khá, năm 2108, tỉnh đã đón được 54 chuyến tàu cập cảng và phục vụ trên 134.100 lượt khách và thủy thủ đoàn, tăng 5% so với năm 2017.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế chú trọng phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, đầm phá; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Lấy du lịch làm ngành kinh tế chủ lực, khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại làm nhân tố đột phá, tỉnh ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong vùng; gắn tăng trưởng kinh tế với xoá đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

[Ngư dân vùng biển Thừa Thiên-Huế được mùa cá cơm, cá dìa]

Lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu có công suất lớn, trang bị máy móc, công nghệ khai thác hiện đại để vươn khơi xa, khai thác hiệu quả hơn.

Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của đội tàu dịch vụ hậu cần và tàu thu mua giúp cho đội tàu khai thác yên tâm bám biển dài ngày trên biển. Nuôi trồng chuyển đổi theo hướng ổn định diện tích, giảm mật độ nuôi, kết hợp xen, ghép, đa dạng đối tượng, nuôi các loài có giá trị cao từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... hướng đến nuôi trồng bền vững.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển khai thác hải sản xa bờ (Nghị định 67), đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai đóng mới 45 chiếc tàu cá do Trung ương phân bổ; trong đó, có 32 chiếc công suất từ 400-1.000 CV đã hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Ngoài việc tích cực vận động ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, tỉnh Thừa Thiên-Huế phát triển thêm 3 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ từ 400 CV trở lên.

Kết quả, tất cả tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67 của Chính phủ đều do đơn vị đóng tàu trong tỉnh đảm nhận, vừa đáp ứng được nhu cầu lại tạo thêm được công việc làm cho người lao động.

"Yếu tố thành công trong đánh bắt xa bờ của Thừa Thiên-Huế là nhờ tàu công suất lớn, ngư cụ đa dạng và hiện đại, có hầm bảo quản tốt, nên mỗi chuyến ra khơi có thể kéo dài từ 10 đến 20 ngày", ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định.

Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, quy hoạch đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Thừa Thiên-Huế phấn đấu đạt 24.116 tấn. Để đạt được mục tiêu nêu ra, tỉnh quy hoạch đưa 30 ha tại vùng cát ven biển huyện Phong Điền vào xây dựng nhóm trại sản xuất và dịch vụ cung ứng giống cho vùng nuôi trên cát; củng cố hệ thống trại sản xuất và dịch vụ giống tôm sú tại huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc; phát triển mạng lưới ươm giống tại các xã nuôi trồng thủy sản trọng điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư xây dựng 1.064 ha diện tích nuôi tôm chân trắng thâm canh công nghiệp trên vùng cát ven biển; ổn định 1.091 ha nuôi chuyên tôm sú bán thâm canh vùng cao triều ven đầm phá; nuôi xen ghép 1.659 ha quảng canh cải tiến vùng hạ triều đầm phá, giảm 423 ha; phát triển 2.360 ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, tăng 525 ha; khai thác sử dụng 1.500 ha mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên để nuôi thủy sản.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có bước phát triển mạnh về lĩnh vực khai thác thủy, hải sản nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ đúng hướng và kịp thời. Ngoài khai thác tốt nguồn lợi thủy, hải sản, tỉnh còn tập trung xây dựng thêm các cơ sở chế biến, giúp việc tiêu thụ thủy, hải sản được dễ dàng và ổn định.

Các địa phương vùng ven biển đã thành lập được 330 cơ sở chế biến, sản lượng hằng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô, tạo ra một hướng đi trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá, giải quyết việc làm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống dân cư trong vùng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục