Xây dựng và mở rộng vùng chăn nuôi an toàn trọng điểm tại Đông Nam Bộ

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn để mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung xây dựng, phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại vùng Đông Nam Bộ bởi khu vực này có quy mô chăn nuôi gia cầm, lợn rất lớn.
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn để mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu ảnh 1Việc phát triển vùng an toàn dịch bệnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành chăn nuôi với sản lượng và chất lượng liên tục tăng trưởng hàng năm tạo nền tảng tốt để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu muốn tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu thì các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, các sản phẩm phải được chăn nuôi, chế biến sâu trong vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH). Các tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh được ví như "visa" để xuất khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến về việc phát triển vùng an toàn dịch bệnh, gia tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

Vẫn còn là "bài toán" khó

- Việc phát triển vùng an toàn dịch bệnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, xin ông cho biết về kế hoạch phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), khi xuất khẩu các sản phẩm từ động vật và động vật bắt buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. Chúng ta muốn hướng tới xuất khẩu thì buộc phải tuân thủ các quy định này.

Tại Việt Nam, vùng an toàn dịch bệnh không phải bây giờ mới xây dựng mà đã được thực hiện trong nhiều năm qua và đã có kết quả tích cực trong việc giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Đến nay, thịt lợn đã xuất đi các nước như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)...; thịt gà đã xuất đi Nhật Bản.

[Đẩy mạnh chế biến sâu để mở rộng thị tường xuất khẩu cho thịt lợn]

Hiện nay, chúng ta đã xây dựng, ban hành các tiêu chí vùng an toàn dịch bệnh đầu tiên tập trung vào vùng Đông Nam Bộ bởi vùng này có quy mô chăn nuôi gia cầm, lợn rất lớn. Chúng ta đã có những vùng an toàn dịch bệnh và giờ đây đang là “bài toán” để duy trì và mở rộng.

- Vậy thì việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có những khó khăn, thách thức gì, đặc biệt là trong bối cảnh còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen, thưa ông?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta biết rằng chăn nuôi nước ta ở quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi theo hệ thống tự nhiên, chuồng hở còn nhiều nên việc quản lý an toàn sinh học, quản lý an toàn dịch bệnh vẫn là "bài toán" khó. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi bình quân đến nay chưa cao, tỷ lệ này phải đạt trên 80% thì mới có thể đáp ứng miễn dịch quần thể.

Việc thực hiện tốt được các biện pháp an toàn sinh học như khoảng cách của trạm; người ra người vào; giải quyết chất thải; xử lý chuồng, xác chết… phải làm rất chặt chẽ. Đây cũng là khó khăn, thách thức trong việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.

Quy mô nhỏ lẻ, phân tán và đặc biệt nhận thức của người dân cũng như là hệ thống chính trị của chúng ta về việc xây dựng an toàn dịch bệnh còn chưa sâu sắc.

- Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, theo ông thì các doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Để phát triển nông nghiệp thì chúng ta phải có một hệ sinh thái gồm doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã và nông dân. Rút kinh nghiệm từ bài học kinh nghiệm rất đắt giá đối với châu Âu, trước đó vào năm 2003, 2004 châu Âu đã bỏ mô hình hợp tác xã nhưng đến bây giờ phải phục hồi lại. Chúng ta hiện nay vẫn duy trì mô hình hợp tác xã và đang có một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững. 

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn để mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu ảnh 2Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định muốn xuất khẩu thì bắt buộc phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.  (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, các doanh nghiệp lớn đều hiểu được ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, để sản phẩm xuất khẩu thì phải làm tốt được việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, để hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững thì doanh nghiệp phải là rường cột, phải là trung tâm, người đi tiên phong để kéo theo các trang trại và các hộ gia đình vào xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

- Ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp thì làm thế nào để kết nối với các địa phương trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh thưa ông?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việc mở rộng, kết nối các địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trước hết phải xuất phát từ nhận thức. Nếu nhận thức muốn xuất khẩu thì bắt buộc phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thông tin về việc có bao nhiêu tiêu chí và tổ chức thực hiện thế nào cho các tỉnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã họp với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai rất tích cực tham gia. Từ sự quan tâm của các địa phương và doanh nghiệp, chúng tôi khẳng định là sẽ làm tốt trong thời gian tới, mở rộng quy mô và đảm bảo được các tiêu chí vùng an toàn dịch bệnh khi xuất khẩu sang các nước theo đúng quy định OIE.

4 giải phát phát triển chăn nuôi

- Xin ông cho biết song song với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đâu là những giải pháp căn cơ để phát triển ngành chăn nuôi hướng tới gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta phải thực hiện đồng bộ 4 giải pháp. Trong đó giải pháp thứ nhất về công tác giống. Trong nhiều năm qua, các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp đã tập trung vào công tác giống tương đối tốt. Năng suất sinh sản của heo nái đã đạt 28-32 heo con cai sữa/1 nái/1 năm.

Thứ hai là về thức ăn dinh dưỡng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập và ngành chăn nuôi cũng không nằm ngoài chủ trương này. Trong nhiều năm qua, chúng ta nhập sản lượng thức ăn chăn nuôi với giá trị rất lớn. Vấn đề bây giờ là phải xây dựng nguồn nguyên liệu để chủ động giảm chi phí, giá thành thức ăn thấp nhất. Hiện nay, chi phí thức ăn quyết định tới 65-70% giá thành chăn nuôi.

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn để mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu ảnh 3Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ đan xen còn nhiều là khó khăn trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các tập đoàn, các địa phương, đặc biệt tập trung vào các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng vùng nguyên liệu sắn, ngô, đỗ tương. Đặc biệt là với giống ngô, hiện nay ở những vùng canh tác có đủ để nguồn nước phục vụ cho cây ngô chúng ta vẫn đạt năng suất từ 9,5-10 tấn/ha. không thua kém các nước khác. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo tập đoàn, Cục Chăn nuôi chuẩn bị tổ chức hội nghị phát triển vùng nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên.

Giải pháp thứ ba là về thú y thực vật. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống bệnh dịch như vaccine lở mồm long móng, vaccine tai xanh và gần đây nhất đã công bố cho lưu hành rộng rãi vaccine dịch tả lợn châu Phi. Với lĩnh vực thú y chúng ta sẽ phải duy trì thành quả đã đạt được và tiếp tục nghiên cứu vaccine cho các đối tượng, lứa tuổi khác nhau.

Giải pháp thứ tư là về vấn đề giết mổ, sơ chế và chế biến. Mô hình của Công ty Masan là một ví dụ điển hình cho thấy khi chế biến sâu thì nâng cao giá trị gia tăng lên 31%. Do đó, ngoài công tác giống, thức ăn dinh dưỡng, thú y thì các doanh nghiệp phải đặc biệt chú ý đến chế biến vì chế biến sâu rất quan trọng.

Mặc dù chúng ta đã xuất khẩu thịt gà với nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản nhưng sản lượng vẫn đang ít. Chúng ta phải tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và công tác sơ chế, giết mổ, chế biến để chúng ta phát triển, mở rộng được thị trường. Ngành chăn nuôi không phải chỉ phục vụ tiêu dùng 100 triệu dân trong nước mà phải tính đưa công nghệ vào theo một chuỗi khép kín tuần hoàn để phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, nông sản của chúng ta có tới gần 200 thị trường thì không lý do gì mà thịt lợn, thịt gia cầm không xuất khẩu được sản lượng lớn hơn.

Đây là những giải pháp căn cốt để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng thuế xuất khẩu trong thời gian tới. Năm 2022, xuất khẩu ngành chăn nuôi đã được 409 triệu USD, đầu năm đến nay chúng ta đã xuất khẩu được 232 triệu USD. Đây là tín hiệu tốt nhưng chúng ta phải tăng tốc hơn nữa để  xuất khẩu sản phẩm của ngành chăn nuôi.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cả nước hiện có 2.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, trong đó có các cơ sở, vùng vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh, bao gồm: 922 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.133 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 175 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục