Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh bằng thi trắc nghiệm

Cuộc thi Giao thông học đường năm học 2018-2019 được triển khai trên toàn quốc từ ngày 7/1 đến tháng 5/2019 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 350 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Linh, Vụ phó phụ trách Vụ Chính trị và Công tác học sinh sinh viên phát động cuộc thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Cuộc thi Giao thông học đường năm học 2018-2019 được triển khai trên toàn quốc từ ngày 7/1 đến tháng 5/2019 với ba vòng thi: cấp trường, cấp tỉnh và chung kết toàn quốc.

Đây là thông tin được ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết tại buổi gặp gỡ báo chí sáng nay 10/1.

Cuộc thi do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Egroup phối hợp tổ chức. Đối tượng dự thi là tất cả học sinh khối trung học cơ sở vả trung học phổ thông trên toàn quốc.

Đề thi được chia theo từng cấp học với hình thức thể hiện phong phú, sinh động. Trong đó có hơn 1.000 câu hỏi về luật giao thông đường bộ, 600 câu hỏi về văn hóa giao thông, gần 200 câu hỏi về tình huống giao thông dạng video 3D…

Bộ câu hỏi được thẩm định bởi Vụ Pháp chế, Tổng cục đường bộ Việt Nam, nội dung phù hợp với pháp luật hiện hành và bám sát bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe hạng A1.

Hình thức thi trắc nghiệm trên Internet. Để dự thi, thí sinh tạo tài khoản và thi online trên website http://giaothonghocduong.com.vn. Mỗi thí sinh chỉ tạo một tài khoản duy nhất.

Thí sinh sẽ tham gia trả lời 30 câu hỏi, tổng thời gian trả lời tối đa là 15 phút và thí sinh được tùy chọn thứ tự các câu hỏi để trả lời.

Sau 4 tuần thi, mỗi trường sẽ chọn một thí sinh có điểm thi cao nhất để tham gia vòng thi cấp tỉnh, thành phố. Trường hợp thí sinh có điểm thi bằng nhau sẽ xét tiêu chí thời gian hoàn thành phần thi, thí sinh nào nhanh hơn được xếp thứ hạng cao hơn.

Kết thúc vòng thi cấp tỉnh, mỗi tỉnh sẽ chọn một em giải nhất ở mỗi cấp để tham gia vòng thi chung kết toàn quốc. Riêng 5 tỉnh, thành phố có số lượng thí sinh tham gia đông nhất sẽ chọn hai thí sinh mỗi cấp để dự vòng chung kết.

Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng theo từng vòng thi của từng cấp, từ cấp trường, cấp tỉnh, cấp toàn quốc, giải thưởng tập thể và các giải phụ. Tổng trị giá giải thưởng là 350 triệu đồng.

[Đưa vào hoạt động khu vui chơi giáo dục an toàn giao thông]

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Bùi Văn Linh, Vụ phó phụ trách Vụ Chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc dạy về luật giao thông trong các trường học hiện nay vẫn còn hạn chế và thiếu sinh động.

Vì thế, cuộc thi sẽ giúp mang lại những bài học bổ ích cho các em học sinh hiểu hơn về luật giao thông, nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm, có kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông và có văn hóa tham gia giao thông thông minh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus về việc làm sao để cuộc thi thực chất, hữu ích nhưng không áp lực, không mang tính hình thức và thành tích, ông Linh nói: “Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về cuộc thi tới các nhà trường nhưng việc dự thi là do học sinh tự nguyện.”

Vụ phó phụ trách Vụ Chính trị và công tác học sinh, sinh viên cho biết sẽ đảm bảo cuộc thi là sân chơi hữu ích cho học sinh nhưng không áp lực, không mang tính hình thức hoặc thành tích.

“Chúng tôi rất quan tâm đến việc làm sao để cuộc thi thực chất. Mục đích của cuộc thi là nâng cao nhận thức của học sinh về luật giao thông. Với hình thức thi online, đề thi sinh động, cuộc thi là một sân chơi thú vị để học sinh giải phóng năng lượng, thay đổi không khí và từ đó học tập trên lớp được tốt hơn,” ông Linh nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Uông Việt Dũng cho biết, Ban tổ chức cuộc thi đã phải khẳng định sẽ không gây áp lực cho học sinh thì mới nhận được sự ủng hộ đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Chính học sinh, phụ huynh sẽ đánh giá cuộc thi có hữu ích hay không và quyết định tham gia hay không. Chúng tôi cũng tuyệt đối không thương mại hóa cuộc thi,” ông Dũng cho biết.

Đây là lần thứ tư Cuộc thi Giao thông học đường dành cho học sinh được tổ chức. Với ý nghĩa giáo dục thiết thực, cuộc thi đã thu hút sự tham ngày càng đông đảo học sinh, từ hơn 200.000 em năm đầu tiên lên hơn 600.000 học sinh năm thứ hai. Năm thứ ba, cuộc thi đã có hơn 1 triệu em dự thi, gấp 5 lần năm thứ nhất./.

Hướng dẫn đăng ký dự thi Giao thông học đường. (Nguồn: Ban tổ chức cuộc thi)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục