Mới đây, Hội Xuất bản Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp ý Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông với nội dung đưa tiết đọc sách vào chương trình học chính khóa. Đề xuất này đã thu hút sự chú ý của giới làm sách, trong bối cảnh văn hóa đọc đang bị những loại hình giải trí kỹ thuật số (phim ảnh, Internet, TV, games...) lấn át.
“Đứng ở góc độ người làm biên khảo, tôi cho rằng đề xuất này rất thú vị và đáng ra nó phải được làm từ lâu rồi. Văn hóa đọc chỉ có thể được chấn hưng nếu như có cái bắt tay giữa ngành xuất bản và ngành giáo dục,” anh Hải An, một người làm sách chia sẻ. “Còn với tư cách là một phụ huynh, tôi luôn muốn con mình cầm trên tay cuốn sách hơn là chiếc điện thoại di động. Công nghệ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của chúng ta, nhưng chưa thể thay thế được sách vở.”
Hình thành thói quen từ ghế nhà trường
Trao đổi với VietnamPlus, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cũng cho rằng đề xuất này là khả thi, phù hợp với quan điểm của bộ sách “Cánh diều” mà Giáo sư làm tổng chủ biên.
Là một trong số 5 bộ sách giáo khoa dùng cho chương trình phổ thông mới (năm học 2020-2021), bộ sách Tiếng Việt “Cánh diều” của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng đã đưa hoạt động đọc sách vào chương trình. Giờ “Tự đọc sách báo” sẽ diễn ra trong 2 tiết/tuần và được sắp xếp ở cuối mỗi bài trong sách giáo khoa Tiếng Việt, kể từ phần “Luyện tập tổng hợp” của lớp 1 (khi học sinh đã học hết các chữ cái và vần) cho đến hết bậc tiểu học, theo dự định của nhóm làm sách.
[Họp Quốc hội: Nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện trường học]
Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, so sánh từ thị trường tiêu thụ sách giữa Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia thì có thể thấy văn hóa đọc của người Việt thấp hơn hẳn. Theo số liệu của Hiệp hội Nhà xuất bản Thế giới (International Publishers), cụ thể, Việt Nam chỉ có 161 đơn vị xuất bản (tính bao gồm cả các nhà sách tư nhân), trong khi con số này của Thái Lan là hơn 500, của Indonesia là hơn 8.000 (gộp cả báo và tạp chí.)
Một chuyên viên ngành xuất bản cho biết nếu như ở Việt Nam, con số in 10.000 bản đã thuộc loại best-seller thì tại Thái Lan, đầu sách ăn khách có thể bán được cả triệu bản...
Do đó, để xây dựng văn hóa đọc cho học sinh từ nhỏ, Giáo sư Thuyết và những người cộng sự đã xây dựng tiết "Tự đọc sách báo" trong chương trình của mình. “Mục đích của giờ 'Tự đọc sách báo' là để học sinh vận dụng những điều các em học được vào trong cuộc sống. Ở lớp 1, các em học chữ, học vần, để đọc được thì phải ứng dụng vào cuộc sống. Các em được hướng không chỉ đọc sách mà còn đọc báo Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong...” Giáo sư Thuyết giải thích.
Cụ thể, trong mục “Tự đọc sách báo”, bộ sách hướng dẫn học sinh “Đọc truyện tranh,” “Đọc truyện,” “Đọc thơ,” “Đọc sách kỹ năng sống,” “Đọc báo,” “Làm quen với thư viện” nhằm cho học sinh làm quen với việc đọc sách tại thư viện, mà trước hết là thư viện của trường
“Ở lớp 2, học sinh tiếp tục được đọc sách báo nhưng là đọc theo các chủ đề khác nhau, phù hợp với chủ đề bài học. Bản chất của những giờ học này là tập đọc, nhưng thay vì áp đặt cho học sinh cả nước đọc một truyện, một bài thì bộ sách Tiếng Việt 'Cánh diều' để học sinh đọc những truyện, những bài mình thích.”
Trách nhiệm thuộc về... người lớn
Trong bộ sách "Cánh diều", việc điều phối hoạt động đọc sách và hướng dẫn lựa chọn đầu sách sẽ do giáo viên dạy bộ môn Tiếng Việt triển khai, theo hướng dẫn cụ thể trong sách hướng dẫn giáo viên của bộ sách này.
Trao đổi với VietnamPlus, một số chuyên gia cũng cho rằng người lớn, mà cụ thể là cha mẹ và giáo viên phải có trách nhiệm với việc đọc sách của con em mình. Nhưng khuyến khích con đọc sách mà bản thân bố mẹ cũng “cắm” mặt vào TV, điện thoại thì cũng chẳng khác nào hô khẩu hiệu suông.
“Các con có nhiều cách tiếp cận giải trí, iPad, TV, điện thoại, nhiều khi bố mẹ ngồi đọc sách cùng nhưng cũng không được lâu, dễ chán,” chị Nguyễn Thanh Hằng, phụ huynh của một học sinh lớp 2 bộc bạch.
Vì vậy, ý tưởng kết hợp giữa việc nâng cao văn hóa đọc và sử dụng các thiết bị điện tử không phải là mới, nhưng thực tế chưa có nền tảng, ứng dụng nào hỗ trợ kết nối giữa gia đình, nhà trường, các em học sinh và các đầu sách phù hợp. Các thư viện trường học có thể “sa đà” vào việc tăng về số lượng thay vì chất lượng.
Ngoài ra, một số thể loại sách chưa chú ý đến sự phù hợp về năng lực ngôn ngữ của trẻ, số lượng các thuật ngữ nhiều, các cấu trúc diễn đạt phức tạp, nội dung và cách tiếp cận mang tính hàn lâm. “Điều này dẫn đến việc nhiều học sinh khi đã đọc thông thạo rồi, các em có thể rất thích đọc sách, truyện nhưng việc đọc lại không thực sự mang lại hiệu quả,” thầy Nguyễn Hữu Long, người sáng lập dự án "Táo giáo dục", chuyên hỗ trợ các thầy cô bổ sung, nâng cao ký năng nghiệp vụ, đánh giá.
Trong bối cảnh như vậy, trang bị tủ sách thôi là chưa đủ, mà quan trọng nhất là có thầy cô điều phối, hướng dẫn đọc sách khi ở lớp và khi về nhà.
“Không chỉ đơn giản là dặn dò ‘các con nhớ đọc thêm ở nhà,’ các thầy cô phải đưa ra một danh sách những cuốn cần đọc theo độ tuổi, có thể cung cấp các mẫu phiếu, các bài tập và công cụ để học sinh biết cần đọc, cần ghi nhớ, ghi chép thông tin gì về kiến thức, về tác giả...” thầy Nguyễn Hữu Long đúc rút từ trải nghiệm của bản thân.
Nhiều giáo viên tiểu học đồng tình với phương án đưa tiết đọc sách vào trường học và đã có hình dung, mong muốn về cách thức tổ chức lớp học. “Tùy vào mục đích người dạy, nếu mục đích là để giáo dục giá trị sống theo ý nghĩa câu chuyện mà cuốn sách mang lại thì cả lớp nên đọc chung một quyển.
Còn nếu để giáo dục, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, thuyết trình… và hình thành thói quen đọc sách thì thầy cô cho học sinh tự chọn và nêu nhận xét. Hình thức tổ chức cũng thay đổi theo từng tuần, cùng đọc, đọc to cho cả lớp cùng nghe, đọc cặp đôi, đọc cá nhân và hoạt động mở rộng,” cô Nguyễn Thúy Liễu, giáo viên trường Tiểu học Hưng Lộc, Vinh, tỉnh Nghệ An nêu quan điểm./.