Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ biển

Việt Nam là quốc gia biển mạnh, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng cần phải quan tâm đến vai trò của khoa học và công nghệ biển, nguồn nhân lực biển.
Giàn khoan của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ (thuộc PVN). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Khoa học và công nghệ luôn được coi là nền tảng của các tiến bộ xã hội.

Bước sang thế kỷ 21, cuộc sống con người tiếp tục được cải thiện dựa trên những tiến bộ khoa học-kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trên thế giới, một trong ba tiêu chí để đánh giá một quốc gia biển mạnh, trước hết phải là một quốc gia có tiềm lực phát triển khoa học-công nghệ và hiểu rõ về chính vùng biển của mình.

[Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh]

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hướng tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh.

Trong các chính sách đó, khoa học và công nghệ luôn là nhân tố đột phá trong công cuộc “tiến ra biển thời kỳ hiện đại” của Việt Nam.

Để thực hiện tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia biển mạnh, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng cần phải quan tâm đến vai trò của khoa học và công nghệ biển, nguồn nhân lực biển.

Việc xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ biển cần được quan tâm đầu tư thích đáng, được đề xuất, xây dựng, triển khai và quản lý với tư duy, phương pháp tiếp cận liên ngành, từ đó đề xuất chính sách, giải pháp cũng như hướng nghiên cứu và hợp tác công-tư trong thời gian tới.

Nhân tố đột phá

Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã nêu 5 quan điểm, trong đó có quan điểm “lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá.”

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.”

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Một trong những mục tiêu cụ thể, về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển, tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao.

Một trong ba khâu đột phá là phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.

Theo Tiến sỹ khoa học Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Nghị quyết cũng xác định các giải pháp cụ thể, trong đó có nhóm giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển.

Nghị quyết cũng xác định cần ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thực hiện công tác đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển như hàng hải, khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm...

Cùng với đó, Nghị quyết nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển quốc tế; đầu tư đội tàu nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu.

“Như vậy, vai trò của nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế biển,” Tiến sỹ Nghiêm Vũ Khải cho biết.

Tiến sỹ khoa học Nghiêm Vũ Khải nhận định để thực hiện tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam là quốc gia biển mạnh cần phải quan tâm đến vai trò của khoa học và công nghệ biển và nguồn nhân lực biển; xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ biển cần được quan tâm đầu tư thích đáng, được đề xuất, xây dựng, triển khai và quản lý với tư duy và phương pháp tiếp cận liên ngành.

Chính sách phát triển khoa học-công nghệ biển

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Vũ Trường Sơn cho biết nhằm tạo cơ sở, tiền đề cho công tác quản lý, hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế biển; đạt được những bước tiến mới trong công cuộc khai thác và sử dụng biển và đại dương một cách bền vững, phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, hơn bao giờ hết, khoa học-công nghệ và điều tra cơ bản biển tại Việt Nam cần phải được ưu tiên đi trước một bước.

Trong những năm qua, khoa học công nghệ biển đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là: phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển; góp phần tích cực cho phát triển kinh tế-dân sinh biển, vùng ven biển và đảo; đóng góp cho bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, bảo tồn thiên nhiên biển và ngăn ngừa, phòng tránh thiên tai; góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích biển của nước ta; xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ biển nước nhà.

Công tác hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về khoa học-công nghệ biển được tăng cường, chuyển biến tích cực.

Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Trường Sơn, phát triển khoa học-công nghệ biển tại nước ta còn nhiều hạn chế, chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều và hiệu quả ứng dụng chưa cao.

Nhiều nội dung nghiên cứu còn dàn trải; không gian và chủ đề nghiên cứu tập dung chủ yếu ở vùng ven bờ, rất hạn chế ở vùng biển sâu, biển xa.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức, theo đó đánh giá khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa thực sự trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Nhằm từng bước đạt được mục tiêu tiếp cận, tận dụng được tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới, đồng thời đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì xây dựng Đề án tổng thể nghiên cứu khoa học và công nghệ biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển; nghiên cứu gắn với điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển liên quan tới phóng xạ, năng lượng nguyên tử.

Dự thảo Đề án đưa ra một số định hướng nhằm triển khai trong thời gian tới như: tập trung, ưu tiên nghiên cứu các chương trình, đề tài ứng dụng khoa học, công nghệ cho các ngành kinh tế biển; chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành (thủy sản, dầu khí, vận tải hàng hải, du lịch,...), gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ môi trường.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực, các ngành kinh tế biển cần được mở rộng, phát triển, quan tâm đầu tư thích đáng, toàn diện cả bề rộng, chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực hơn, góp phần nâng cao tỷ lệ đóng góp của khoa học-công nghệ biển, hàm lượng tri thức trong GDP của nền kinh tế đất nước; áp dụng mạnh mẽ nền khoa học-công nghệ tiên tiến vào khâu sản xuất, nhân rộng các mô hình quản lý; mô hình sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải nhựa; mô hình kinh tế tuần hoàn; mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam.

Cùng với Đề án tổng thể nghiên cứu khoa học và công nghệ biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về biển, hải đảo giai đoạn 2021-2025 và nghiên cứu, đề xuất thực hiện Đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ định hướng cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong bối cảnh thách thức mới nổi về an ninh môi trường biển giai đoạn 2021-2025.

Phó Tổng cục trưởng Vũ Trường Sơn khẳng định, khoa học và công nghệ biển có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong công tác quản trị biển và đại dương, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. Ngoài ra, các hoạt động khoa học-công nghệ cùng với các hoạt động kinh tế trên biển còn có ý nghĩa quan trọng, góp phần hiện diện dân sự, khẳng định “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông.

Cùng với điều tra cơ bản về biển, khoa học-công nghệ biển là vấn đề then chốt, đi trước một bước, là phương tiện, động lực làm thay đổi cả chất và lượng quá trình khai thác, sử dụng biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nói chung, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam nói riêng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, cùng thế giới tiến vào kỷ nguyên của biển và đại dương - Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục