Xây dựng tổ chức bộ máy Ban Dân vận tinh gọn, hiệu quả

Đảng luôn quan tâm, chú trọng việc lãnh đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận và tổ chức bộ máy dân vận các cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 24/4, Đoàn Khảo sát số 1 Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Dân vận Trung ương.

Trình bày Báo cáo về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy Ban Dân vận các cấp tinh gọn, hiệu quả, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Ngô Thị Doãn Thanh cho biết Đảng luôn quan tâm, chú trọng việc lãnh đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận và tổ chức bộ máy dân vận các cấp.

Nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế của Đảng về dân vận, công tác dân vận được ban hành. Các cấp ủy đã chú trọng đến công tác dân vận, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ thông qua việc triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới."

Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương ngày càng được tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Hoạt động của hệ thống dân vận các cấp có nhiều đổi mới, chủ động, hiệu quả trong công tác tham mưu; phối hợp tốt với các lực lượng, cơ quan, ban, ngành triển khai thực hiện công tác dân vận đồng bộ hơn.

Tuy nhiên, báo cáo đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận và tổ chức bộ máy ban dân vận các cấp. Việc cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội còn chậm.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chậm được đổi mới; vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành có tác phong quan liêu, xa dân.

Công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết vấn đề phát sinh, điểm nóng ở một số nơi còn lúng túng. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức về quan điểm, chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với công tác dân vận chưa thực sự sâu sắc, nhuần nhuyễn. Đặc biệt, chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu của Ban Dân vận các cấp còn hạn chế, nhất là việc nắm bắt kịp thời tình hình nhân dân, đánh giá chính xác để tham mưu trong công việc thường xuyên cũng như trong các tình huống cụ thể.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết và các Kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật của Nhà nước về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Dân vận; mối quan hệ của Ban Dân vận Trung ương với các cơ quan hữu quan, các tổ chức, nhất là những nội dung có biểu hiện chồng chéo, có khả năng rút gọn được cơ cấu tổ chức, biên chế.

Trên cơ sở phân tích những hạn chế, các đại biểu kiến nghị những giải pháp nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy Ban Dân vận tinh gọn, hiệu quả trong thời gian tới. Theo đó, Ban Dân vận Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các Ban Đảng Trung ương, đáp ứng yêu cầu là cấp tham mưu cấp chiến lược cho Đảng về công tác xây dựng Đảng; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ của các Ban Đảng hợp lý và đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Đối với tổ chức, bộ máy dân vận cấp quận, huyện, nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ theo hướng bố trí đồng chí ủy viên thường vụ là Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc; thành lập văn phòng chung cho các Ban Đảng và văn phòng chung cho Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội; thực hiện đề án vị trí việc làm gắn với khoán quỹ lương.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Đoàn khảo sát tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trong đó cần đánh giá thêm về nhận thức của hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng và từng cán bộ đảng viên với công tác dân vận; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong toàn hệ thống; xem xét việc bố trí cán bộ làm công tác dân vận hợp lý chưa để từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận “có tâm, có tầm.”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Ban Dân vận sớm tổng kết mô hình dân vận-mặt trận ở cấp tỉnh, mô hình dân vận-mặt trận cấp huyện; mô hình dân vận với ban tuyên giáo. “Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thị trường, vận động quần chúng có vai trò rất quan trọng. Vì thế, Ban Dân vận các cấp cần quan tâm, gần gũi để giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người dân,” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục