Theo các chuyên gia Viện nghiên cứu Da Giày, việc sử dụng sản phẩm giầy, dép có kích thước không phù hợp với kích thước bàn chân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, như có thể gây đau ở các vùng khác nhau như gót chân, cổ chân, các ngón chân; thậm chí ở cẳng chân, khớp gối hoặc vùng thắt lưng do làm tăng áp lực đến các cơ bắp.
Vì vậy, trong quá trình sản xuất, để tạo ra sản phẩm giầy đạt chất lượng, phù hợp với thông số kích thước bàn chân người sử dụng phụ thuộc rất nhiều vào kích thước phom dùng trong sản xuất.
Phom là khuôn để tạo ra không gian bên trong chiếc giầy, mô phỏng bàn chân khi đi, đứng trong giầy và có độ vừa vặn, thoải mái trong một thời gian dài. Phom không chỉ là sự mô phỏng sao chép lại kích thước, cấu tạo của bàn chân mà còn được điều chỉnh có tính đến độ cử động cần thiết của bàn chân khi vận động.
Ở những chủng tộc và điều kiện sống khác nhau thì kích thước bàn chân cũng khác nhau vì vậy phom cũng có các kích thước, hình dạng phù hợp với kích thước bàn chân ở các điều kiện đó.
[Ngành da giày: Phát triển công nghệ thuộc da thân thiện môi trường]
Để sử dụng phom vào quá trình sản xuất giầy các nguyên phụ liệu khác như đế, gót cũng cần phù hợp với làn phom, chiều cao gót phom. Do đó, để đồng bộ hóa khi đưa vào sản xuất, đa phần các doanh nghiệp lựa chọn phương pháp sửa phom cho phù hợp với làn đế và chiều cao gót muốn sử dụng.
Như vậy, cấu trúc phom đã thay đổi một phần các thông số kích thước so với cấu trúc và kích thước ban đầu. Các kích thước liên quan khác có thể sẽ không được chỉnh theo vì vậy làm một số thông số kích thước phom không theo các thông số kích thước chuẩn theo số đo bàn chân. Đó là lý do làm giảm tính tiện nghi của giầy (một chỉ tiêu quan trọng của giầy tiêu dùng nội địa).
Hiện nay, ở Việt Nam chưa xây dựng bộ thông số kích thước phom chuẩn, phù hợp với kích thước bàn chân người Việt Nam để các nhà sản xuất có cơ sở khi thiết kế, chế tạo phom cho bàn chân người Việt và nâng cao chất lượng sản phẩm giầy dép khi sử dụng.
Vì thế nhằm xây dựng thông số phom phù hợp thông số bàn chân người Việt Nam và có ứng dụng phần mềm trong quá trình thiết kế phom, nhóm nghiên cứu do kỹ sư Hoàng Thị Hồng (Viện nghiên cứu Da Giầy đứng đầu) đã đề xuất đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo phom giầy phù hợp với bàn chân người Việt Nam.”
Đây là nghiên cứu cần thiết, phù hợp với xu thế đồng thời thiết lập các thông số phom phù hợp với thông số bàn chân người Việt Nam. Việc nghiên cứu thiết kế những đôi phom chuẩn là điều kiện tiên quyết để sản xuất những đôi giầy chất lượng cao, kiểu dáng đẹp, vừa vặn với bàn chân phục vụ cung cấp cho thị trường trong nước./.