Xây dựng 'thế trận lòng dân,' quy tụ sức mạnh toàn dân tộc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả."
Xây dựng 'thế trận lòng dân,' quy tụ sức mạnh toàn dân tộc ảnh 1Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 cùng cảnh sát khu vực phường Võ Thị Sáu, Quận 3 trao túi hỗ trợ cho những người ở trọ có hoàn cảnh khó trong những ngày thành phố giãn cách xã hội 'ai ở đâu, ở yên đấy.' (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

"Xây dựng 'thế trận lòng dân,' thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc" là một nội dung quan trọng trong phần những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

So với các kỳ đại hội trước, "thế trận lòng dân" được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Đó là sự khẳng định, bổ sung, thể hiện sự phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” không chỉ tạo tiền đề cho nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó còn là sự kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vào tình hình mới của đất nước.

Quân đội trong lòng dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Trước các diễn biến phức tạp của tình hình, Quân đội luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường 'trong ấm, ngoài êm' cho đất nước."

Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, quân đội luôn phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương chỉ đạo điều chỉnh thế bố trí chiến lược, huy động nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Cán bộ, chiến sỹ gắn bó máu thịt với nhân dân; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp dân xóa đói, giảm nghèo; phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp, nhất là trên những địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, quân đội luôn khẳng định vai trò của "Đội quân chiến đấu-Đội quân công tác-Đội quân lao động sản xuất."

Đặc biệt, trong những nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19, cán bộ, chiến sỹ toàn quân thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là quân đội của nhân dân, quân đội trong lòng dân.

[Bộ đội Cụ Hồ xắn tay, lội ruộng hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản]

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các đơn vị trong toàn quân phải chủ động tìm hiểu để hỗ trợ kịp thời những nhu cầu bức thiết của địa phương và người dân trong phòng, chống dịch, trên tinh thần bộ đội chủ động đến với dân, không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định: “Quân đội quyết tâm bằng mọi cách, bằng mọi biện pháp, sử dụng mọi lực lượng, với khả năng của mình và vượt cả khả năng của mình, quyết tâm cùng với nhân dân các địa bàn có dịch khắc phục dịch triệt để và đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường."

Theo Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sỹ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ trong cả nước đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất không để dịch bệnh lây lan trong cơ quan, đơn vị; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn.

Trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, quân đội là một trong những lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch, với hàng nghìn tổ, chốt Biên phòng duy trì những lá chắn nơi biên cương; với lực lượng quân y ngày đêm nỗ lực tham gia nghiên cứu sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 và vaccine phòng COVID-19.

Theo tiếng gọi từ trái tim, hàng ngàn cán bộ, y, bác sỹ, sinh viên quân y tình nguyện lên đường vào miền Nam tiếp sức cùng đồng bào chống dịch.

Giữa tâm dịch, lực lượng Bộ đội Hóa học đã kịp thời có mặt, đảm bảo thực hiện công tác tiêu tẩy, khử trùng ở những ổ dịch, hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Trên khắp đất nước, các đơn vị của quân đội được huy động trở thành những khu cách ly an toàn. Quân đội triển khai hàng trăm tổ cơ động phòng, chống dịch từ các bệnh xá quân y và đội y học dự phòng của các quân khu, quân đoàn...

Toàn quân đã triển khai hơn 1.900 tổ, chốt chống dịch với trên 13.000 lượt người, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của trên 22.000 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly phục vụ hơn 270.000 người; tổ chức 10 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, chuyển đổi công năng một bệnh viện đa khoa quân dân y thành bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, thành lập một trung tâm điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nặng với hàng ngàn bác sĩ, nhân viên quân y.

Xây dựng 'thế trận lòng dân,' quy tụ sức mạnh toàn dân tộc ảnh 2Cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 5, Quân khu 7 cùng các lực lượng chức năng quận Bình Thạnh giúp người dân sống tại các khu trọ, nhà lụp xụp, nhà ven kênh di dời về ở tại Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa, quận Bình Thạnh để đảm bảo an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Quân đội đã đóng góp 510 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19; điều động hàng ngàn xe ô tô vận chuyển vaccine đến các địa phương; khử khuẩn hàng ngàn khu vực, điểm có dịch.

Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, có các mô hình hay, thể hiện sâu sắc tình cảm tốt đẹp quân-dân "cá-nước" như: hiến máu tình nguyện, tổ chức các gian hàng 0 đồng, phối hợp giúp địa phương thu hoạch nông sản cho nông dân vùng có dịch...

Trước sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, lũ lụt, gây nên thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân, để lại hậu quả nặng nề đối với mọi mặt của đời sống xã hội, cán bộ, chiến sỹ quân đội đã không ngại gian khổ, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn nhất, hiểm nguy nhất để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ. Tất cả những nỗ lực, đóng góp ấy một lần nữa khẳng định vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - đội quân tuyệt đối trung thành, tin cậy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần làm ngời sáng thêm phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ," bộ đội của dân.

Cội nguồn sức mạnh đất nước

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã cho thấy, khi toàn dân, toàn quân đồng lòng đều có thể chiến thắng mọi kẻ thù, từ giặc ngoại xâm cho đến “giặc đói, giặc dốt."

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội, sự đồng lòng ấy đã được hun đúc với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, “chống dịch như chống giặc."

Cả hệ thống chính trị xác định việc tham gia phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách, cần tập trung thực hiện một cách đồng bộ, với “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Phát huy vai trò đại diện, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở cùng cả hệ thống chính trị đã và đang triển khai nhiều hoạt động tích cực, kịp thời, chung sức phòng, chống dịch.

Trong những giai đoạn khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, sự chung tay, đồng lòng của mỗi tổ chức, cá nhân đã cho thấy tầm quan trọng của “thế trận lòng dân," củng cố thêm sức mạnh, nguồn lực chống dịch của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, vẽ nên bức tranh đẹp về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống dịch COVID-19 và ý kiến chỉ đạo của các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch, trong những ngày này, đồng bào cả nước đang hướng về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch với tất cả sự sẻ chia, đồng cảm, dành những điều trân quý nhất cho đồng bào miền Nam.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có hướng dẫn và ra lời kêu gọi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức các cuộc vận động quyên góp, ủng hộ cho đồng bào ở vùng đang giãn cách xã hội, góp phần cùng chính quyền và các lực lượng chức năng đảm bảo an sinh xã hội.

Xây dựng 'thế trận lòng dân,' quy tụ sức mạnh toàn dân tộc ảnh 3Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô và chính quyền địa phương trao 1.500 suất quà cho hộ nghèo, người khó khăn ở quận Đống Đa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bằng nhiều nghĩa cử cao đẹp, các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm đã quyên góp được lượng tài chính khá lớn ủng hộ công tác phòng, chống dịch và Quỹ vaccine phòng COVID-19, đến thời điểm này đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng số tiền đã tiếp nhận và đăng ký ủng hộ qua Mặt trận các cấp từ ngày 1/5/2021 đến 15/8/2021 là 7.676 tỷ đồng. Như vậy, đã có trên 15.000 tỷ đồng được ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các cấp Mặt trận đã sử dụng số kinh phí này để hỗ trợ mua trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, trợ cấp an sinh, đảm bảo cho người dân ở những vùng giãn cách xã hội không thiếu ăn, thiếu nhu yếu phẩm. Rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã được trợ giúp tận nơi.

Để tiếp tục đồng lòng, chung sức cùng với cả nước phòng, chống đại dịch, ngày 25/8 vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương, thống nhất với các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức triển khai thực hiện Chương trình "Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19."

Ngay trong ngày đầu triển khai, Chương trình đã hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội tổng số 600.000 phần quà, tương đương 180 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại các địa phương chưa có dịch và ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều phong trào đã được phát động, đông đảo nhân dân đã tham gia ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hướng về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Những đoàn xe với biểu ngữ, mang theo tình cảm hướng về miền Nam ruột thịt để tăng cường nhân lực, vật lực tiếp sức cho đồng bào chống dịch là hình ảnh thực sự rất xúc động về tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách."

Nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân chủ động đứng ra vận động quyên góp hoặc tự đóng góp nguồn lực của mình, trao tặng nhu yếu phẩm, trang bị vật tư y tế cho lực lượng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch; cũng như dành những phần quà giúp người nghèo, người lao động tự do vượt qua giai đoạn khó khăn của mùa dịch.

Sự hỗ trợ về sức người, sức của của các tổ chức, cá nhân không những giúp chúng ta có thêm nguồn lực chống dịch, mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội.

Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của “lòng dân” và “thế trận lòng dân," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả."

“Lòng dân” chính là cội nguồn sức mạnh của đất nước nói chung và sức mạnh quốc phòng nói riêng. “Thế trận lòng dân” chính là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng được huy động nhằm thực hiện các mục tiêu trong từng giai đoạn của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục