Quân, dân tương trợ bảo vệ vững chắc vùng biên giới Tây Nam

Xây dựng thế trận lòng dân để bảo vệ vững chắc biên cương

Để bảo vệ vững chắc biên giới, người lính quân hàm xanh hôm nay phải đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng chính quyền, củng cố lòng tin trong nhân dân.
Xây dựng thế trận lòng dân để bảo vệ vững chắc biên cương ảnh 1 Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Gia tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Có đi và ăn ở cùng với bộ đội biên phòng nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc mới thấu hiểu nỗi vất vả hằng ngày họ nếm trải. Bảo vệ an ninh biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ, người lính quân hàm xanh hôm nay phải đóng vai trò là lực lượng chủ chốt trong xây dựng chính quyền vững chắc, củng cố lòng tin trong nhân dân, tham gia xóa mù chữ, chống đói nghèo…

Giúp dân thoát nghèo

Hầu hết các cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng: Muốn bảo vệ vững chắc biên giới, làm tốt công tác phòng ngừa, giữ gìn an ninh trật tự đều phải dựa vào người dân. Vậy làm gì để nhân dân cùng bộ đội biên phòng bảo vệ được an ninh nơi biên giới, chỉ có cách duy nhất là giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Chúng tôi theo chân các chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước đến thăm mô hình cụm dân cư vượt lũ Giồng Bàng ở ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, để thấy được những khó khăn mà người dân vượt qua. Phải mất 30 phút đi bằng xe máy trên quãng đường mòn gồ ghề dọc bờ kênh dài khoảng 5km, chúng tôi mới tới được Giồng Bàng.

Cụm dân cư vượt lũ này có 125 hộ với 400 nhân khẩu, đa phần họ sống bằng nghề nông nghiệp, đi làm thuê khắp nơi. Giữa cái nắng trưa Hè, toàn cụm dân cư bốc lên cái mùi thum thủm của cây ngô thối, nước thải của các bể nuôi lươn ngay trong sân các gia đình ở đây.

Chị Huỳnh Thị Huỳnh Nhu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thường Phước 1 cho biết cụm dân cư này đang thực hiện mô hình nuôi lươn lấy thịt, bước đầu có lãi, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Đây là mô hình kết hợp của bộ đội biên phòng và Hội Phụ nữ xã giúp dân làm kinh tế rất hiệu quả tại địa phương.

Chị Trần Thị Thúy, người đang nuôi lươn ở đây cho biết từ khi tham gia vào tổ Hùn vốn của Hội Phụ nữ xã, cuộc sống của chị đỡ khó khăn hơn xưa nhiều. Chị Thúy chia sẻ: "Cuối năm 2013, tôi được tổ Hùn vốn cho mượn tiền, cộng thêm số vốn có sẵn, tôi mua 1.000 con lươn giống về nuôi. Sau 6 tháng, xuất bán lươn, tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng. Rồi cứ thế nhân lên, hiện tôi có 4 bể nuôi với cả chục ngàn con lươn thương phẩm sắp xuất bán. Với giá bán 130.000 đồng/kg lươn thịt như hiện nay, hy vọng vụ này tôi có thêm số vốn kha khá."

Tiếp chuyện chúng tôi, nhưng tay ông Lê Văn Cái vẫn thoăn thoắt bóc từng con ốc bươu vàng làm thức ăn cho lươn. Ngày nào ông cũng phải bắt khoảng 20kg ốc về gỡ ra xay nhỏ cho lươn. Gia đình ông có 4 người con thì 2 người con đã lập gia đình, 2 người con lên Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân. Vợ mất sớm, còn lại một thân một mình, ông tập trung chăm chút những bể lươn.

Ông cho biết: "Hiện tôi nuôi 8 bể lươn, với giá bán từ 110.000-130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng có đồng ra đồng vào, tạm ổn với cuộc sống thôn quê. Ngày đầu không biết nuôi, nhưng được Hội Phụ nữ xã, bộ đội biên phòng chỉ việc, nên bà con chúng tôi mới biết làm như ngày hôm nay."

Theo đại tá Nguyễn Đình Anh, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua Bộ đội biên phòng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập 172 tổ Hùn vốn với hơn 3.200 chị em tham gia hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình ở các xã biên giới; đồng thời mở 134 lớp dạy nghề may công nghiệp, may gia đình, đan ghế nhựa tạo công ăn việc làm cho nhân dân có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Bên cạnh đó, Bộ đội biên phòng cũng đã nỗ lực tham gia thực hiện chương trình “Hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo trên khu vực biên giới sản xuất” bằng cách phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đứng ra tín chấp ngân hàng, bảo lãnh cho người dân được vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế.

Về xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang, chúng tôi được tiếp xúc với ông Phạm Văn Tiền, một người chuyên mua bò gầy về vỗ béo bán kiếm lời. Ông Tiền cho biết, được bộ đội biên phòng đồn Đồng Đức giúp vay tín chấp ngân hàng 25 triệu đồng, năm 2013 ông mua 12 con bò gầy từ Campuchia về vỗ béo, sau khi bán, trừ hết chi phí còn được lãi 96 triệu đồng.

"Nhờ có các anh bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, nay cuộc sống gia đình tôi bớt cơ cực hơn mấy năm trước," ông Tiền chia sẻ.

Tương trợ lúc khó khăn

Nói về bộ đội biên phòng nơi biên giới, nhiều người dân ở khu vực các đồn biên phòng mà chúng tôi đi qua cho hay: "Các chú ấy nhiệt tình, luôn giúp đỡ chúng tôi khi khó khăn hoạn nạn."

Khi đến các đồn biên phòng ở biên giới tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi được biết từ năm 2008 đến nay, bộ đội biên phòng địa phương đã làm rất tốt cuộc vận động “Mái ấm biên cương cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo.”

Đây là cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thực hiện. Qua gần 6 năm triển khai, các chiến sỹ quân hàm xanh ở tỉnh Đồng Tháp đã tu sửa, xây mới được 1.220 căn nhà tặng cho dân với giá trị hơn 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, họ còn tham gia đóng góp hơn 6.000 ngày công lao động, giúp dân xây dựng 15 căn nhà tình nghĩa, 25 căn nhà tình thương, 10 căn nhà đồng đội với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Từ mùa lũ năm 2013 đến nay, các chiến sỹ biên phòng còn giúp dân phòng chống lũ lụt, đắp đê để bảo vệ hơn 6.000ha lúa Thu-Đông, cứu sống 29 người dân bị chìm xuồng trong lũ, di dời hơn 240 căn nhà bị sạt lở, hỏa hoạn về vị trí an toàn...

Mô hình “Hũ gạo tình thương” đã giúp 27 hộ nghèo, neo đơn nơi biên giới ở Đồng Tháp vượt qua khó khăn; mỗi hộ được cấp 15kg gạo và 200.000 đồng/tháng, là số tiền đóng góp của các cán bộ, chiến sỹ biên phòng. Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được các chiến sỹ làm rất tốt. Đến nay, trên tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp có 4 phòng khám quân dân y kết hợp được triển khai, từ năm 2013 đã khám chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới được hơn 28.000 lượt người.

Đại tá Nguyễn Đình Anh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết, những việc làm nói trên đã góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo tại các xã vùng biên giới, thực sự mang nhiều ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Còn tại tỉnh An Giang, trong sáu tháng đầu năm 2014, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành tỉnh chăm lo đời sống nhân dân vùng biên giới bằng việc bàn giao 20 căn nhà “Mái ấm biên cương” cho 20 hộ nghèo thuộc khu vực biên giới với tổng trị giá 733 triệu đồng. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng còn giúp dân di dời, xây dựng, sửa chữa 98 căn nhà và khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 844 người dân nghèo với tổng trị giá gần 100 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục