Trong khuôn khổ một nghiên cứu về trực quan hóa dữ liệu, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang thử nghiệm kết hợp công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo hỗn hợp (mixed reality) tại Phòng nghiên cứu về Sức đẩy Phản lực (JPL) có trụ sở tại phía Nam bang California, Mỹ.
Mục đích của nghiên cứu này là cải thiện khả năng phân tích và giải thích các dữ liệu phức tạp - cụ thể là mối quan hệ giữa kích thước và khoảng cách của các đặc điểm địa chất trên Sao Hỏa.
NASA là một trong những cơ quan đi tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và phát triển của công nghệ VR kể từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày nay, NASA tiếp tục dựa vào VR để triển khai hoạt động của cơ quan. Ví dụ trong hoạt động huấn luyện phi hành gia, NASA đã hợp tác với công ty EPIC để tạo ra một môi trường giả lập Sao Hỏa trong thế giới VR. Công nghệ này cũng giúp con người hiểu rõ hơn về “Hành tinh Đỏ”.
Scott Davidoff, lãnh đạo đội Thiết kế Lấy con người làm Trung tâm tại JPL, đang đưa các cảnh quay do tàu thăm dò Sao Hỏa Curiosity thu được vào VR, qua đó cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn thực tế hơn về cảnh quan Sao Hỏa.
So với những bức ảnh được trình chiếu trên màn hình phẳng, người ta có thể đo đạc, tính toán khoảng cách và kích thước của các cấu trúc địa chất chính xác và nhanh hơn trong môi trường không gian ảo. Trải nghiệm này tạo ra ý tưởng trình chiếu các dữ liệu đa chiều phức tạp trên môi trường VR.
“Chúng tôi đã tạo ra một thế giới dữ liệu, nơi các nhà phân tích có thể xem xét mọi vấn đề liên quan đến khoa học hoặc kỹ thuật nào và nhìn thấy các dấu hiệu lặp lại, hoặc các mối tương quan rõ ràng hơn, so với khi nhìn vào dữ liệu ở phiên bản phẳng", Davidoff nói.
Ông đã hợp tác với các nhà nghiên cứu Ciro Donalek và George Djorgovski tại Viện Công nghệ California (Caltech) để phát triển phần mềm sử dụng hình ảnh 3 chiều (3D), từ đó khám phá mối quan hệ giữa các điểm dữ liệu. Năm 2016, họ đồng sáng lập công ty Virtualitics Inc. trong đó Davidoff nắm vai trò cố vấn.
Sản phẩm chủ đạo của Virtualitics là một phần mềm kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hình ảnh 3D. Phần mềm cho phép người dùng thấy mối quan hệ giữa các dữ liệu nhanh hơn nhiều so với những biểu đồ truyền thống.
Phần mềm này tương thích với một số thiết bị hỗ trợ công nghệ VR và có thể được sử dụng cả trên máy tính để bàn lẫn trong VR. Phần mềm hiện được sử dụng chủ yếu trong hoạt động nghiên cứu ngân hàng, ngành bán lẻ và y tế.
Đây không phải là lần đầu tiên NASA tìm cách sử dụng AI và các công nghệ tiên tiến trong hoạt động của cơ quan này.
Hồi tháng 5 năm nay, báo chí Mỹ cho biết các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Vũ trụ Goddard của NASA đã xây dựng một mô hình tính toán dựa trên AI mang tên DAGGER để phát hiện siêu bão Mặt trời. Mô hình được quảng bá có thể dự đoán nhanh chóng và chính xác các nhiễu loạn địa từ trên toàn thế giới “30 phút trước khi chúng xảy ra”.
Bão Mặt trời xả ra khi Mặt trời phát ra một vụ nổ plasma tích điện, trong hiện tượng được gọi là phóng đại khối vành nhật hoa. Các hạt tích điện này tạo ra bão địa từ, có thể gây mất điện và trục trặc các thiết bị công nghệ trên Trái đất, khi chúng xuyên qua lưới từ trường bảo vệ xung quanh hành tinh chúng ta./.